Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gánh nặng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mấy người hàng xóm bảo chồng chị sỹ rởm, “ốc chẳng mang nổi mình ốc lại thích mang cọc cho rêu”.

KTĐT - Mấy người hàng xóm bảo chồng chị sỹ rởm, “ốc chẳng mang nổi mình ốc lại thích mang cọc cho rêu”. Trong khi các anh đã nhà cao cửa rộng, con lớn cả, mình thì…

Hai chị dâu chị hết lớp Bảy nghỉ ở nhà chăn trâu. 15, 16 tuổi đã lấy chồng, đẻ liền tù tì. Anh cả được ba cô con gái, anh thứ có một đứa con trai 5 tuổi và hai đứa con gái, đứa út mới đang biết bò. 

Chị sinh con khi lớp văn bằng hai còn một năm nữa mới xong. Mẹ chị đang công tác nên phải nhờ mẹ chồng đến giúp. Bà nội thấy đàn cháu ở nhà tội nghiệp quá nên đề nghị đưa một đứa lên ở cùng.  

Sẽ bình thường nếu đó là đứa ngoan ngoãn biết vâng lời. Nhưng vì nó là cháu trai đầu tiên nên ông bà lẫn bố mẹ cưng chiều vô cùng, trong nhà nó là vua, không ai được quyền quát nạt, mắng mỏ. Lần nó ra nghịch nước ngoài bể, bị mẹ phát vào tay mà hết ông lại bà ra bênh cháu, quát con dâu, anh chồng về cũng phang cho vợ một cái. Từ đó nó tự biết vị thế của mình trong căn nhà này. Càng lớn nó càng khiến người khác khó chịu, đòi hết cái nọ đến cái kia. 

Nó đến ở nhà chị cũng rất khó bảo. Bao lần chị dạy mà nó chẳng thèm tiếp thu. Nhìn thấy người lớn nó giương mắt lên không chào, nói thì trống không. Đến bữa, nó ôm phần thức ăn ngon nhất về mình, dùng đũa, thìa bới tung tất cả, nhè những thứ nó không thích ra mâm mọi người đang ăn. Đã có lần chị góp ý với bà, nuông như thế chẳng khác nào hại cháu. Bà im lặng rồi vẫn cứ làm theo ý mình.

Về quê bà luôn khoe, ở nhà chị ăn ngon lắm, hôm nào cũng thịt cá, còn có hoa quả tráng miệng. Vậy là mọi người đinh ninh cho rằng vợ chồng chị giàu.

Thực ra, vợ chồng chị chỉ hơn hai anh ở cái được học hành, đi ra ngoài công tác nên đỡ vất vả hơn, chứ thời buổi này kiếm tiền đâu dễ. Vợ chồng chị đến đây với hai bàn tay trắng, mãi mới dám có con, nhà thì vẫn ở thuê. Chị hết bốn tháng thai sản thì xin công ty nghỉ không lương để ở nhà chăm con và học cho xong, đâu dư dả. Vậy mà họ không hiểu cho, thi thoảng hỏi vay tiền rồi chẳng thấy trả.

Hai anh dù được bố mẹ tạo điều kiện, nhưng vì mải chơi nên bỏ học. Lớn lên sống cùng bố mẹ, được chia đất, xây nhà, sáu đứa cháu ông bà chăm cho từ lúc đỏ hỏn đến lúc biết chạy nhảy, đâm ra ỷ lại. 

Mỗi lần về, chồng chị lại biếu mẹ tiền để đi đám cưới, hay mua sắm này khác. Hai anh ở cùng nhưng chưa một lần ghé vai gánh cùng bố mẹ do đã quen dựa dẫm. Nhìn đàn cháu nheo nhóc, đứa nào cũng gầy gò, nghịch ngợm và vô lễ, chị thấy chán. Lần con bé nhà anh cả ốm nặng, họ gọi chồng chị về. Anh vội đưa cháu vào viện, thuốc thang và chi phí cũng mất tiền triệu, song họ coi đó như điều đương nhiên chồng chị phải làm nên chẳng có một lời cảm ơn.

Thằng bé đến nhà chị ở, có độc bộ quần áo trên người, đi chiếc dép sắp đứt. Chị đành dắt cháu đi mua sắm. Đã bận, đã tốn kém vì nuôi con mọn và đi học, tưởng bà đến đỡ đần cho phần nào, vậy mà chị còn thấy túng bấn, vất vả hơn.
 
Sáng sáng nấu ăn cho cả nhà, gọi cháu dậy, giục giã ăn vì nó mãi mới chịu dậy, có khi nửa tiếng vẫn chưa ăn xong. Đưa cháu đi mẫu giáo thì chị đi chợ luôn, bởi chồng thường đi làm từ sớm rồi miết tối mới về. 

Mấy người hàng xóm bảo chồng chị sỹ rởm, “ốc chẳng mang nổi mình ốc lại thích mang cọc cho rêu”. Trong khi các anh đã nhà cao cửa rộng, con lớn cả, mình thì…

Chị nói với anh, chị biết anh có tính hay thương người, vả lại anh em ai chả thương, song chị nghĩ, tình thương phải đặt đúng chỗ, hơn hết hãy thương bản thân mình trước. Rồi chị bày tỏ những ức chế, mệt mỏi của mình vì như có cảm giác bị lợi dụng thì chồng lại vỗ vai: “Có phúc, có phần. Phải tích đức cho con em ạ. Mình nuôi rồi dạy con giúp anh chị ấy để sau họ cứ thế mà dạy theo thôi”. Chị thở dài nghĩ thầm: “Khó lắm...”.