Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gập ghềnh sân chơi trẻ

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ vào hè là dịp các giải đấu trẻ thuộc hệ thống thi đấu quốc gia đồng loạt khởi tranh.

Đây là dịp tổng rà soát công tác đào tạo trẻ và giúp các đội tuyển trẻ có cơ hội tuyển quân. Nhưng, khi mà bóng đá vào cơn bĩ cực thì sân chơi trẻ vốn lâu nay luôn chịu thiệt thòi lại càng ít được quan tâm, thậm chí trở thành gánh nặng với các nhà tổ chức.
Cắn răng bỏ tiền tổ chức giải

Trong hệ thống thi đấu trẻ, giải bóng đá Thiếu niên toàn quốc mà thường gọi là giải U13 quốc gia thuộc diện có truyền thống nhất. Có hơn 20 năm tuổi đời, được tổ chức bởi báo Nhi đồng, sân chơi này từng một thời lôi cuốn sự quan tâm của hàng triệu người hâm mộ. Đó cũng là nơi xuất phát của hàng chục danh thủ bóng đá Việt Nam. Rất nhiều ngôi sao bóng đá đương đại từng tỏa sáng ở giải này. Gần nhất là các cầu thủ Văn Toàn, Văn Thanh, Văn Sơn từng vô địch giải U13 quốc gia trong màu áo Hải Dương và sau đó được đặc cách vào Học viện HAGL Arsenal năm 2007.

Các em nhỏ tại Học viện NutiFood HAGL Arsenal - JMG trong buổi tập luyện. Ảnh: Zing.vn

Trong hơn 20 năm được tổ chức một cách đều đặn, giải U13 quốc gia luôn có sự đồng hành của nhiều thương hiệu lớn. Có thời điểm, giải đấu này chứng kiến sự cạnh tranh giữa nhiều DN tài trợ. Thế nhưng, khi kinh tế có nhiều khó khăn, bản thân sân chơi trẻ cũng mai một sức hấp dẫn bởi nhiều lý do thì việc tìm kiếm một nhà tài trợ cho giải là cả một bài toán khó. Sau 2 năm có được sự đồng hành của MobiFone, giải U13 quốc gia năm nay không có nhà tài trợ. Điều này khiến các nhà tổ chức đối diện với nhiều áp lực: Hoặc từ bỏ sân chơi vốn gắn liền với thương hiệu của mình trong suốt hơn 20 năm, hoặc chấp nhận bỏ tiền túi trong bối cảnh chẳng hề dư dả để duy trì giải đấu. Cuối cùng, báo Nhi đồng và đối tác truyền thống của mình là Công ty truyền thông Veba quyết định chịu thiệt để các cầu thủ trẻ có được cơ hội tỏa sáng. Không ai khác, chính báo Nhi đồng một năm trước đây cũng phải cắn răng bỏ tiền túi để giải U11 quốc gia được tổ chức.

Rằng vui thì thật là vui

Không chỉ giải U13 quốc gia, nhiều giải đấu trẻ, đặc biệt là những sân chơi vốn không có nhiều giá trị về thương mại cũng luôn gặp khó khăn trong việc duy trì, phát triển giải đấu. Một năm trước đây, báo Bóng đá quyết định dừng bước sau hơn 10 năm đồng hành với sân chơi U17 quốc gia. Rất may cho giải U17 quốc gia là nhà tài trợ Thái Sơn Nam đã không bỏ cuộc giống như trường hợp của giải U15 quốc gia khi báo Thiếu niên Tiền phong quyết định rút lui. Việc các sân chơi trẻ, bóng đá nữ và thậm chí cả các đội tuyển trẻ không có nhà tài trợ khiến gánh nặng dồn lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), tổ chức vốn chẳng lấy gì làm giàu có. Và để duy trì phong trào, VFF đã phải trích ngân quỹ của mình ra tổ chức giải U15 quốc gia cũng như các đội tuyển trẻ.

Theo quy định, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí hoạt động của đội tuyển quốc gia nam, nữ. Các đội tuyển trẻ sẽ do VFF tự tìm nguồn cân đối. Các giải trẻ được tổ chức bằng nguồn xã hội hóa. Thế nhưng, trong bối cảnh các nhà tài trợ phải cân đối ngân sách sao cho đạt hiệu quả nhất thì các giải trẻ, thậm chí cả đội tuyển trẻ sẽ bị cắt giảm kinh phí đầu tiên. Nói đâu xa, năm 2016 - 2017 với bóng đá Việt Nam là cột mốc lịch sử khi đội tuyển U16 vào tứ kết giải U16 châu Á, đội tuyển U19 giành vé dự World Cup U20 nhưng VFF vẫn không thể tìm kiếm được những Mạnh thường quân đồng hành với mình. Mà để chuẩn bị cho World Cup, đội tuyển U20 Việt Nam cần phải tập trung từ sớm, đi nước ngoài đá giao hữu. Những khoản chi đắt đỏ cho các chuyến du đấu khiến VFF tốn hàng tỷ đồng nhưng lại không thể tìm được nhà tài trợ.

Vậy mới nói, bóng đá trẻ là tương lai của bóng đá nước nhà, nhưng để duy trì, phát triển nó thật chẳng dễ dàng. Khi mà nguồn lực từ xã hội không lớn, bản thân các nhà tổ chức không mạnh về tài chính thì sân chơi trẻ, các đội tuyển trẻ còn lâu mới tìm được một chiến lược phát triển đồng bộ nhằm hướng đến những cái đích lớn trong tương lai.