Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gặp mặt giao lưu nhân chứng lịch sử Đội Biệt động Hội An

Tin,ảnh: Hồng Loan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban liên lạc Đội Biệt động Hội An phối hợp với Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng, Văn phòng đại diện Báo Cựu chiến binh Việt Nam tại miền Trung tổ chức “Gặp mặt, giao lưu nhân chứng lịch sử Đội Biệt động Hội An” nhân kỷ niệm 61 năm Cách mạng tháng tám và Quốc khánh 2/9.

Ngày 31/8, tại TP. Hội An (Quảng Nam), Ban liên lạc Đội Biệt động Hội An phối hợp với Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng, Văn phòng đại diện Báo Cựu chiến binh Việt Nam tại miền Trung tổ chức “Gặp mặt, giao lưu nhân chứng lịch sử Đội Biệt động Hội An” nhân kỷ niệm 61 năm Cách mạng tháng tám và Quốc khánh 2/9.

Đại diện các sở, ban, ngành TP. Hội An; đại diện Phòng Khoa học Quân sự Quân khu V; Bộ chỉ huy Quân sự Quảng Nam, các nhân chứng lịch sử Đội Biệt động thành Hội An tham dự.
Các chiến sĩ Biệt động thành Hội An trong buổi gặp mặt - giao lưu nhân chứng lịch sử.
Các chiến sĩ Biệt động thành Hội An trong buổi gặp mặt - giao lưu nhân chứng lịch sử.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hội An là nơi đặt tỉnh lỵ Quảng Nam với bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, các tổ chức phản động và quân chư hầu. Nơi đây, có gần 17 ngàn quân chủ lực bảo vệ cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy. Dưới sự chỉ thị của Thị ủy Hội An, trực tiếp là Phó Bí thư Thị ủy Trương Minh Lượng, tháng 3-1964, tổ chức cách mạng “Đội vũ trang tuyên truyền giải phóng Hội An” ra đời trong lòng địch. Khởi đầu có 9 đồng chí với 3 cơ sở, đến năm 1967, có trên 50 đồng chí. Nhằm thúc đẩy phong trào đấu tranh Cách mạng ở nội ô phát triển một cách mạnh mẽ, tháng 4-1966 “Đội vũ trang tuyên truyền giải phóng Hội An” đổi tên thành “Đội Biệt động Hội An”. Các chiến sĩ biệt động đều là thợ mộc, thợ nề, làm thuê, người đánh mướn, xe thồ, xích lô, người bán rau hành, quét dọn chợ…

Hơn 10 năm chiến đấu và trưởng thành, “Đội biệt động Hội An” đã  đã tham gia 21 trận đánh, ám sát 37 tên ác ôn, đặt mìn, ném lựu đạn, tập kích vào cơ quan đầu não của địch diệt 173 tên, phá hủy 11 xe quân sự, trong đó có 2 xe bọc thép, phá hủy 5 cơ quan công sở, phối hợp với Bộ đội tỉnh Quảng Đà, Thị đội Hội An giải phóng Nhà lao Hội An, giải cứu 1.358 tù chính trị… góp phần cùng với nhân dân cả nước làm lên chiến thắng mùa xuân 1975 lịch sử, giải phóng dân tộc.

Dịp này, đại diện Ban Liên lạc Đội Biệt động thành Hội An cũng đã trao tặng các kỷ vật gồm thùng gỗ đựng vũ khí, chiếc radio nghiệp vụ, chiếc mũ của Gia đình Phật tử cùng những tấm ảnh tư liệu cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.