Luôn tiên phongVạn Phúc đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở làm việc tại đây. Làng lụa Vạn Phúc cũng là làng cổ có nghề dệt với trên nghìn năm tuổi. Trải qua bao thăng trầm lịch sử của đất nước, người dân làng lụa luôn vững vàng đấu tranh giữ đất, giữ làng, giữ nghề. Sinh ra trong ngôi làng có bề dày truyền thống lịch sử, khi mới là học sinh lớp 8, chưa đầy 18 tuổi nghe tiếng gọi non sông, chiến tranh còn chia đất nước làm 2 miền, ông Phạm Khắc Hà đã ghi tên mình vào danh sách thanh niên xung phong đi miền Nam chống Mỹ cứu nước.
|
Ông Phạm Khắc Hà trao đổi với khách về sản phẩm lụa đã được đa dạng. |
Theo ông Hà, ông xung phong nhập ngũ tháng 3/1971, đến tháng 4 được cử vào đơn vị đặc công 13. Chỉ được huấn luyện hơn 1 tháng ông đã được nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam. Chỉ 1 ngày tiếp cận địa bàn Bình Phước ông và đồng đội phải bước vào trận chiến đấu đầu tiên với quân giặc. Vừa là lính mới và kỹ năng thiếu nhưng đó lại là những bài học đầu tiên để ông và đồng đội rút kinh nghiệm cho những lần chiếu đấu sau.
Là đặc công nên đơn vị của ông Hà luôn phải đi trước trong nhiều cuộc tiến công của quân và dân ta để lật đổ Chính phủ Nguy quyền Sài Gòn. Ông nhớ nhất trận đánh vào ngày 12/12/1974 vào tỉnh Phước Long (khi đó) và đến ngày 6/1/1975 giải phóng hoàn toàn địa phương này. Đây là trận đánh mở màn cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, nó vừa mang tính làm điểm để các đơn vị, địa phương khác rút kinh nghiệm và cũng là để lôi kéo báo chí nước ngoài thông tin về chiến thắng của quân giải phóng, khẳng định đường lối của Đảng và Chính phủ nhà nước còn non trẻ của ta đã có những bước tiến mạnh mẽ trong lãnh đạo đất nước, giải phóng dân tộc. Sau thành công đó của đơn vị Đặc công 13, chỉ hơn 3 tháng sau các trận đánh giải phóng liên tiếp các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ tiến tới giải phóng Sài Gòn 30/4/1975.
Đau đáu đổi mới nghề dệt lụa Sau khi đất nước được giải phóng, ông Hà chưa rời quân ngũ nhưng đã hướng về quê hướng với mong ước đổi mới nghề dệt truyền thống. Năm 1975, ông là người đầu tiên tham gia cùng với Hợp tác xã Dệt lụa Vạn Phúc mua và tháo dỡ khung cửi ở TP Hồ Chí Minh đưa về làng nhằm cải tiến quy trình dệt lụa truyền thống.
|
Ông Hà kiểm tra chất lượng lụa. |
Năm 1977, ông Hà chính thức rời quân ngũ. tiếp tục học công nhân kỹ thuật và đi làm 10 năm sau xin nghỉ hưu về quê. Là người sinh ra đã gắn với khung cửi, tiếng thoi đưa nên ông rất hiểu nghề dệt. Suốt những năm tháng qua ông đã cùng gia đình giữ gìn và phát huy nghề lụa. Có lúc nghề dệt lụa bị mai một, nhất là thời kỳ đầu khi đất nước chuyển đổi cơ chế sang sản xuất thị trường. Nhiều người đã không còn giữ được nghề truyền thống, bởi kỹ thuật ngành dệt bị lạc hậu, hàng hàng hoá từ Trung Quốc du nhập vào. Ông nói “là người con của làng lụa, mình phải có trách nhiệm để xây dựng và phát triển, giữ nghề tổ tiên để lại. Tôi tự hào được sinh ra và lớn lên ở làng cổ và có di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi học Bác ở tinh thần trách nhiệm”.
Nói là làm, chỉ trong 6 tháng năm 1991, ông mua 5 khung cửi. Trên cơ sở đó ông thu thập các tài liệu về nghề dệt, từng bước cải tiến khung cửi từ chỗ kéo sợi bằng thủ công, ươm tơ cũng thủ công nên sợ tơ thường bị to – nhỏ, tấm lụa dệt không được mịn. Màu sắc không đẹp, bắt mắt và không đa dạng. Sau khi cải tiến quy trình dệt lụa của gia đình, đến nay gia đình ông vẫn duy trì 5 khung dệt được cải tiến đưa các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình dệt, nhuộm, hấp tạo ra sản phẩm lụa bền, đẹp, đa dạng mẫu mã.
|
Những chiếc khung cửi của làng lụa đã được cải tiến. |
Trước những khó khăn của nghề lụa, TP Hà Nội chỉ đạo phát triển làng nghề, gắn với du lịch trải nghiệm. Ông Hà được tiến cử làm Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc. Không chỉ lo cho gia đình, ông cùng với phường Vạn Phúc, quận Hà Đông xây dựng Dự án “Bảo tồn làng nghề dệt lụa truyền thống nhằm phát triển du lịch tại phường Vạn Phúc”.
Ông đề nghị thành lập tổ kỹ thuật của làng lụa, từ đó mở các lớp đào tạo lại nghề cho những người còn yếu về kỹ năng dệt, nhuộm, hấp và đào tạo mới cho những lớp trẻ kế cận nghề. Với một người am hiểu về kỹ thuật, ông thường xuyên đứng lớp giảng dạy về kỹ thuật cũng như văn hoá giao tiếp của người Vạn Phúc đối với du khách đến mua sắm, tham quan tại làng. Đối với những khung cửi của các gia đình chưa được cải tiến, ông bàn bạc với mọi người trong tổ kỹ thuật đưa ra biện pháp khắc phục.
Từ năm 2010 đến nay vải lụa Hà Đông đã được nâng cấp. Trước kia vải hay nhăn và xô, nhưng bây giờ đã khắc phục hoàn toàn hiện tượng nhăn, xô, sợi vải mịn, nhẵn và bóng. Năm 2006, thương hiệu lụa Hà Đông đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận thương hiệu độc quyền và bảo hộ tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
|
Công đoạn guồng tơ trước kia phải làm thủ công, nhưng bây giờ guồng tơ bằng máy với nhiều cuộn tơ 1 lúc, nâng cao hiệu suất lao động. Khách du lịch tham quan. |
Theo lãnh đạo phường Vạn Phúc: Ông Hà luôn phát huy vai trò Chủ tịch Hiệp hội làng nghề, cùng với địa phương tích cực đào tạo nghề, hỗ trợ các hộ cải tiến quy trình dệt lụa, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hoá. Ông tích cực đi tham gia các hội chợ trong nước, nước ngoài nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm luạ Vạn Phúc đến với các nước và khu vực như Ý, Thái Lan, Pháp, Myanma, Ấn Độ … Để hội nhập cũng như thuận tiện ký kết các đơn hàng với các đơn vị trong nước và nước ngoài, đến nay ông Hà đã thành lập được 5 công ty lụa.
Chị Nguyễn Thị Huyền phụ trách văn hoá phường Vạn Phúc, chia sẻ: Ngoài việc đứng lớp đào tạo nghề, truyền dạy cách ứng xử giao tiếp văn minh với khách hàng, năm 2018 ông Hà còn hướng dẫn bà con sản xuất, kinh doanh lụa niêm yết giá bán trên các sản phẩm nhằm minh bạch thông tin, tránh chặt chém gây mất lòng tien với khách, nhất là khách du lịch.
Mới đây, ông Hà được đi cùng với đoàn lãnh đạo và DN của Hà Đông vào Bảo Lộc, Lâm Đồng ký kết nguồn nguyên liệu tơ nhằm đảm bảo ổn định và sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ. Ông Hà còn đang đề xuất với quận Hà Đông tạo điều kiện mở lớp dạy cắt may nhằm đa dạng sản phẩm lụa và mở lớp dạy ngoại ngữ cho những người làm nghề để giao tiếp với khách du lịch.
Ở cái tuổi 67, nhiều người đã nghỉ ngơi, nhường lại công việc cho thế hệ trẻ. Nhưng với thương binh 3/4 Phạm Khắc Hà vẫn mang bản chất người lính luôn tiến về phía trước, hỗ trợ cùng địa phương từ việc cải tiến khung cửi, dạy nghề, xung phong đi nước ngoài và các tỉnh thành quảng bá sản phẩm, ký kết nguyên liệu cho làng nghề. Ông đang được đề nghị công nhận là nghệ nhân thợ giỏi cấp thành phố.