"Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" là 1 trong 5 bộ SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Ảnh: Bảo Trọng |
Nơi chọn từng cuốn, nơi theo bộ
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân Nguyễn Thu Hà cho biết, sau khi có văn bản hướng dẫn lựa chọn SGK từ Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT Hà Nội, trường đã lập các tổ, nhóm, hội đồng chọn sách. Theo đó, hội đồng có thể chọn theo bộ hoặc từng cuốn ở các bộ khác nhau. “Đến giờ này, chúng tôi đã hoàn thiện công tác chọn sách. Hội đồng quyết định chọn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam” – bà Hà cho hay.
Với cách làm chọn từng cuốn nhưng “chốt” theo bộ, đại diện lãnh đạo trường Tiểu học Dịch Vọng A, quận Cầu Giấy cho biết, đã hoàn thành việc chọn SGK lớp 1 mới. “Trên tinh thần không áp đặt, tôn trọng mọi quyết định lựa chọn của các thành viên hội đồng, giáo viên, phụ huynh, chúng tôi tiến hành lập biên bản từng sự lựa chọn, sau đó tổng hợp và ra quyết định cuối cùng. Sau khi bỏ phiếu, có kết quả 9/11 phiếu bầu chọn cho bộ sách Cánh diều" - Hiệu trưởng nhà trường Ngô Thị Bích Thủy cho biết.
Theo tinh thần hướng dẫn tại Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT, trường Tiểu học Thanh Trì, quận Hoàng Mai tổ chức cho giáo viên các khối tự lựa chọn SGK theo từng cuốn, sau đó sẽ lập biên bản bảo lưu ý kiến cũng như tiến hành bỏ phiếu kín. Sau khi giáo viên tổ chức họp khối để bình chọn, nhà trường sẽ tổng hợp gửi Phòng GD&ĐT.
Từ năm học 2021 - 2022 sẽ thay đổi thẩm quyền chọn sách giáo khoa
Nói về định hướng chọn SGK, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài, từ nay tới tháng 7/2020, các cơ sở giáo dục sẽ chọn SGK theo Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT. Nhưng đến ngày 1/7/2020, khi Luật Giáo dục có hiệu lực, thẩm quyền này được chuyển cho UBND cấp tỉnh, quy định tại Điều 32 Luật Giáo dục. Do đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành dự thảo Thông tư sẽ thay thế Thông tư 01 để phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ngay tại dự thảo Thông tư (thay thế Thông tư 01) về hướng dẫn lựa chọn SGK có một số quy định có thể gây mập mờ về phương án chọn SGK. Cụ thể, tại mục 2, Điều 2 của dự thảo quy định: “Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở một khối lớp lựa chọn một đầu SGK”, dễ dẫn đến cách hiểu mỗi môn học chỉ được chọn một đầu sách, vô hình chung áp đặt vào sự lựa chọn của các hội đồng chọn sách.
Phân tích tình huống này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành cho biết, nếu hiểu mỗi địa phương chỉ được chọn một đầu sách cho một môn học là chưa đúng. Cụ thể, tại Điều 2 và Điều 3 của dự thảo nêu rõ, với một môn học cụ thể trong cùng một cơ sở giáo dục thì chỉ chọn một đầu sách. Ví dụ môn Toán thì chỉ chọn một đầu sách cho môn học này trong một cơ sở giáo dục. “Điều này có nghĩa, không phải các cơ sở giáo dục trong một địa phương, một tỉnh, TP cùng đồng loạt một đầu sách môn Toán đó. Trong nội dung quy định về tiêu chí chọn sách, phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng khu vực của địa phương đó” – ông Thành phân tích.
Cũng theo ông Thành, mặc dù tính ổn định trong việc lựa chọn SGK được quy định rất cụ thể trong Luật Giáo dục. Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục luôn cởi mở, linh hoạt. Quá trình giảng dạy, giáo viên nhận thấy cuốn sách, bộ sách chưa phù hợp, cần điều chỉnh, cải tiến sẽ đề xuất lên hội đồng chọn sách để xem xét, thay đổi quyết định.
Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các sở GD&ĐT về việc bảo đảm cung ứng SGK lớp 1 cho năm học 2020 - 2021. Theo Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK, các cơ sở giáo dục phổ thông phải công bố công khai danh mục SGK được lựa chọn trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 4 tháng. Để bảo đảm thực hiện đúng tiến độ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương hoàn tất việc công bố kết quả lựa chọn SGK lớp 1 và tổng hợp kết quả gửi đến các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn trước ngày 20/5/2020. |
Việc lựa chọn SGK cho năm học tới đã được giao toàn quyền cho các cơ sở giáo dục. Căn cứ vào quy định của Bộ GD&ĐT cùng các văn bản liên quan, phía Sở sẽ ban hành tiêu chí lựa chọn để áp dụng cho các trường tiểu học, còn việc lựa chọn cuốn sách, bộ sách nào, Sở GD&ĐT không định hướng.Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội Phạm Xuân Tiến |