Đốc thúc hoàn thiện công đoạn cuối
Năm 2012, Tổng cục Di sản văn hóa Hàn Quốc đã gửi lời mời đề nghị Việt Nam cùng phối hợp với Hàn Quốc, Campuchia, Singapore tham gia xây dựng hồ sơ đa quốc gia cho di sản kéo co truyền thống, đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Đứng trước cơ hội có thêm di sản có danh hiệu, củng cố mối quan hệ giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực, năm 2013, Bộ VHTT&DL cũng đã có công văn yêu cầu một số địa phương tiến hành khảo sát, kiểm kê và lập hồ sơ về kéo co. Sau quá trình điền dã, kiểm kê di sản, TS Lê Thị Minh Lý - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đánh giá: "Tại Việt Nam, kéo co được các cộng đồng người Kinh, Thái, Tày, Nùng, Giáy… thực hành từ lâu đời và trao truyền cho tới ngày nay. Di sản này được bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ thần nước thể hiện ước mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống hạnh phúc, sinh sôi, nảy nở và tôn vinh sức mạnh của sự đoàn kết".
Thi kéo co tại chùa Hương Tích, Hà Nội.
|
Hiện nay, hồ sơ di sản kéo co đã được gửi lên UNESO để kịp cho đợt xét duyệt vào năm 2015, tuy nhiên, tại Việt Nam, kéo co truyền thống vẫn chưa được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Chính vì vậy, Bộ VHTT&DL đang đốc thúc những địa phương sở hữu di sản như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai gấp rút hoàn thành các công đoạn cuối cùng cho việc lập hồ sơ, trình Hội đồng di sản văn hóa cấp quốc gia xem xét, hoàn thành trước ngày 30/6/2014.
Lo bị hành chính hóa
Giá trị của kéo co truyền thống tại Hà Nội đang từng bước được khẳng định thông qua quá trình lập và thu thập, kiểm kê, xây dựng hồ sơ di sản. Theo khảo sát của cán bộ Phòng Di sản văn hóa - Sở VHTT&DL Hà Nội, di sản kéo co đang được thực hành khá thường xuyên tại một số di tích của quận Long Biên và huyện Sóc Sơn.
Ở Long Biên, kéo co ngồi mang thiên hướng trình diễn có tính nghi lễ. Nét đặc biệt của kéo co truyền thống ở Long Biên được thể hiện qua nghi lễ chuẩn bị. Nam giới tham gia kéo co sẽ tự đồ xôi, làm thủ lợn, tự trang trí rồi rước đến đền lễ trước khi thực hành trò chơi.
Tuy nhiên, di sản hiện đang đứng trước thách thức biến đổi từ kéo co truyền thống sang trò chơi thể thao. "Thay vì thực hành nghi lễ một lần vào một thời điểm nhất định trong năm, di sản đang bị phổ cập hóa, làm giảm yếu tố niềm tin" - TS Lê Thị Minh Lý cho biết. Vì thế, làm thế nào di sản không bị hành chính hóa để cộng đồng tự do duy trì... đang là những mối lo ngại khi kéo co được nâng tầm danh hiệu.