Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gấp rút ôn tập cho học sinh thi vào lớp 10

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố Lịch sử là môn thi thứ 4 vào lớp 10 năm học 2021 - 2022, các phòng GD&ĐT, nhà trường và giáo viên (GV) đã xây dựng kế hoạch dạy cũng như ôn luyện cho học sinh (HS) để các em tự tin bước vào kỳ thi quan trọng.

Giờ học của học sinh lớp 9 trường THCS ở huyện Ba Vì. Ảnh: Trần Oanh
Học sinh hơi bất ngờ
Phó Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Oai Nguyễn Đức Lượng cho biết: Sở GD&ĐT Hà Nội lựa chọn môn Lịch sử là rất phù hợp với điều kiện học tập của HS năm nay. Trong khi đó, theo Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) Nguyễn Cao Cường, GV không bị bối rối khi biết tin Lịch sử được lựa chọn bởi nhà trường luôn xác định 1 trong 6 môn: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân đều được chuẩn bị tốt từ đầu năm. Trong đó nội dung, cấu trúc đề cũng được nhà trường chú trọng từ các lần kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ.

Việc Sở GD&ĐT Hà Nội lựa chọn Lịch sử là môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng mang đến niềm vui cho GV dạy môn Lịch sử. Theo giải thích của thạc sĩ Nguyễn Thị Cúc – GV dạy Sử trường THCS Lê Quý Đôn - Hà Đông, trước năm 2019, năm Hà Nội cũng lựa chọn Lịch sử là môn thi thứ tư, đa số HS, thậm chí cả phụ huynh luôn không quan tâm đến việc học môn này vì cho rằng đây là môn phụ. Khi Sở GD&ĐT Hà Nội chọn thi môn Lịch sử giúp HS chú ý học hơn, tạo cơ hội cho GV đem hết khả năng và tâm huyết của mình góp phần vào việc giáo dục những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Nhiều HS đã đón nhận môn thi thứ 4 là Lịch sử trong sự ngỡ ngàng, vì phán đoán là môn học khác. Em Bùi Thiên Trang – HS lớp 9A6 trường THCS Lê Quý Đôn – Hà Đông chia sẻ: “Dù khá bất ngờ vì cách đây 2 năm Sở GD&ĐT đã chọn môn Lịch sử nhưng em quan niệm “dân ta phải biết sử ta” nên luôn cố gắng trau dồi kiến thức môn Sử, kết quả học khá tốt”. Nhiều HS khác cũng chia sẻ, dù Sở GD&ĐT chọn môn thi nào thì HS vẫn phải nỗ lực trau dồi, ôn luyện vì mỗi môn đều cung cấp kiến thức, hiểu biết để ứng dụng vào cuộc sống.

Triển khai ngay kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng học sinh

Ngay sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố 4 môn thi vào lớp 10 THPT công lập, Phòng GD&ĐT các quận, huyện đã có hướng dẫn, chỉ đạo các trường trong việc ôn thi môn Lịch sử. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh thông tin: Ngày 12/3, Phòng đã chỉ đạo các trường thông báo tới 100% cán bộ, GV, phụ huynh và HS lớp 9 được biết 4 môn thi vào lớp 10 THPT công lập. Đồng thời, yêu cầu các trường chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn xây dựng và triển khai kế hoạch ôn tập 4 môn thi; nâng cao chất lượng dạy học trực tiếp, dạy học trực tuyến ở bộ môn Lịch sử. "Cùng với việc tổ chức họp cán bộ quản lý, GV cốt cán bộ môn Lịch sử và xây dựng kế hoạch tổ chức chuyên đề "Nâng cao chất lượng thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Lịch sử, năm học 2021 – 2022”, chúng tôi yêu cầu các nhà trường, gia đình trong thời gian ngắn nhất trang bị đủ tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Lịch sử cho GV, HS lớp 9" - ông Oanh cho biết.

Phòng GD&ĐT Thanh Oai trước đó đã thường xuyên đôn đốc các trường chú trọng dạy học toàn diện ở tất cả các môn. Tới đây, Phòng sẽ chỉ đạo các trường tiếp tục hoàn thành kế hoạch dạy học, trong đó chú ý tăng cường ôn tập 4 môn thi. Một số HS lơ là môn Sử, GV sẽ giao khoán chủ đề, câu hỏi ôn tập, ghép đôi bạn học tập để việc ôn tập diễn ra hàng ngày và bạn học tốt sẽ kèm bạn học kém. Về phía các trường THCS vẫn sẽ thực hiện việc dạy học theo kế hoạch để đảm bảo chương trình và theo nhu cầu của HS. Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai) Nguyễn Khắc Thành cho biết: Nhà trường dạy theo thời khóa biểu, phần ôn luyện cho HS sẽ được tổ chức vào buổi chiều học thêm. Buổi tối và Chủ nhật, HS tranh thủ học trên hệ thống Hanoistudy.

Lời khuyên của các hiệu trưởng, GV dành cho HS sẽ thi vào lớp 10 công lập là ôn thi đều ở 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử với tinh thần tự tin. Với môn Lịch sử, cùng với nắm bắt kiến thức cơ bản, HS nhớ mốc thời gian lớn, mang tính bước ngoặt, bước phát triển và luyện tập một số câu hỏi theo chủ đề. Một nguyên tắc HS cần nằm lòng là học lý thuyết để làm bài tập trắc nghiệm chứ không làm bài tập trắc nghiệm để thuộc lòng kiến thức.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2021 - 2022 được tổ chức vào các ngày 29 và 30/5/2021 với 4 bài thi bắt buộc, độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Bài thi Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/bài thi. Bài thi Ngoại ngữ và Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút/bài thi. Nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS.