Vừa tốt nghiệp đại học được vài tháng nhưng Dương Văn Lạc đã quen với vai trò giảng viên tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và gần hoàn tất chương trình thạc sĩ của mình. Với anh, để có kết quả như hiện tại, đó là cả một quá trình nỗ lực và không ngại khó khăn, thất bại.
Không có gì khó, chỉ sợ mình không làm
Như nhiều bạn bè khác, ban đầu Văn Lạc chọn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ vì sự hứng thú đối với đồ điện tử và mong muốn có công việc trong tương lai. Thi vào lớp kĩ sư tài năng với Lạc cũng là một sự tình cờ. Lúc đó, anh cảm thấy khá áp lực khi bước vào môi trường quá nhiều người giỏi.
Tuy nhiên, cũng trong suốt thời gian ấy, Văn Lạc đã phát huy được tư duy độc lập và giữ cho mình sự kiên trì, không nản chí nên hai năm sau đó liên tục giành được các kết quả xuất sắc: học bổng các tập đoàn lớn, giải nhất, nhì Olympic toàn quốc…
Dương Văn Lạc trong một lần nhận bằng khen.
|
Anh chia sẻ: “Ngay từ ngày cấp 2, mình đã tự học tập, nghiên cứu qua sách vở mà không đi học thêm hoặc được ai kèm cặp. Những năm đại học, mình cũng luôn học hỏi, độc lập làm việc, độc lập suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Nhờ vậy, mà sự sáng tạo của bản thân được khơi nguồn và phát huy rất tốt”.
Bên cạnh đó, Văn Lạc cũng học cách phân tích vấn đề để xác định được hướng đi, mục tiêu và phương pháp. “Đối với mọi công việc, mục tiêu, mình đều coi nó như một đối tượng để mổ xẻ, phân tích từ các góc độ, khía cạnh nên thường đạt kết quả nhanh chóng”, anh nói.
Văn Lạc không nhắm vào một mục tiêu, ngành nghề duy nhất để theo đuổi mà luôn muốn được khám phá, thử sức ở nhiều lĩnh vực. Anh bày tỏ: “Khi đã làm và biết về nó rồi sẽ có thể thảo luận, tranh biện trong bất kỳ cuộc giao lưu nào. Không làm cứ nghĩ là nó cao siêu lắm nhưng thực ra là không. Mình quan niệm không có gì khó, chỉ sợ bản thân không làm”.
Trong quá trình nỗ lực, phấn đấu, không ít lần Lạc gặp khó khăn nhưng anh luôn giữ sự kiên trì và nhìn nhận được giá trị đằng sau đó bằng tâm thế tích cực. “Mình luôn nghĩ thất bại dạy cho nhiều bài học kinh nghiệm nên phấn đấu hết mình với niềm tin sẽ thành công”.
Như lần đăng ký Giải thưởng dành cho kỹ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam lần thứ 8 năm 2013, Văn Lạc đã bị loại. Nhưng qua đó, anh đã rút ra được những hạn chế của bản thân và trưởng thành hơn trong lần tuyển chọn năm 2014. Do đó, trong năm nay, bài luận của Lạc đã được điểm gần như tuyệt đối: 9.5, với sự đánh giá rất cao của giám khảo về khả năng mạch lạc.
Cuối năm tư, học môn Dao động kỹ thuật với GS. Nguyễn Văn Khang, Văn Lạc luôn coi đây là cái “duyên”, đồng thời cũng là may mắn của mình. Không chỉ vì thầy đề nghị anh ở lại trường, mà hơn hết, là sự tin tưởng, coi trọng năng lực và tạo cho Văn Lạc những cơ hội nghiên cứu.
“Làm khoa học nghĩa là tìm ra cái mới và thầy Khang rất thích điều đó trong mỗi một nghiên cứu. Trong khi điểm mạnh của mình là sự sáng tạo nên thường xuyên được thầy khích lệ, ủng hộ”, Văn Lạc chia sẻ.
Giảng viên 9X cho biết, bất cứ vấn đề gì cũng suy nghĩ, chuẩn bị rất kỹ mới bắt tay vào làm nên thường hoàn thành rất nhanh. Với Lạc, sự cập nhật kiến thức là điều không thể thiếu trong công tác nghiên cứu, đặc biệt là học hỏi từ tài liệu nước ngoài. Trong quá trình đó, cái gì không có thì anh đều tự sáng tạo ra theo cách thức của mình. Cũng nhờ vậy mà năng lực, kinh nghiệm làm việc của Văn Lạc ngày một tốt hơn.
Mong muốn được cống hiến
Văn Lạc luôn mong muốn được cống hiến sức mình trong nghiên cứu khoa học. “Mình luôn coi cống hiến là mục tiêu, nguyện vọng, chứ không nghĩ rằng đó là trách nhiệm. Chỉ cần được cống hiến, sự đãi ngộ hoặc mức lương không hề quan trọng. Với mình, được làm điều gì đó cho mọi người đã là rất hạnh phúc, ý nghĩa”, anh nói.
Sau khi hoàn thiện chương trình thạc sĩ trong nước, Văn Lạc dự kiến sẽ du học tại Nhật Bản nhằm trau dồi, học hỏi tri thức ở nền giáo dục hiện đại để có thể áp dụng và cống hiến cho nền khoa học nước nhà.
Với cương vị là người thầy đứng trên giảng đường, Văn Lạc đã truyền cảm hứng đến các em, đồng thời tạo cho sinh viên một môi trường tốt để phát huy được tư duy độc lập.
Văn Lạc cho biết: “Vì kiến thức thay đổi hằng ngày nên mình luôn để cho sinh viên bày tỏ ý kiến bản thân, càng mới, càng lạ càng tốt, càng được khích lệ. Việc dạy học, mình cũng không quan tâm đến điểm số và thường khuyến khích cho sinh viên không phụ thuộc vào các thầy cô, hãy cứ thỏa thích sáng tạo. Mình từng chia sẻ với sinh viên rằng: Làm bài, nếu tự mình thấy đúng thì cứ tự tin chứng minh điều đó, không nên lệ thuộc vào ý kiến người khác”.
Thông tin cá nhân: Họ và tên: Dương Văn Lạc Ngày sinh: 9/2/1991 Hiện đang học thạc sĩ chuyên ngành Cơ điện tử tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Thành tích: - Học bổng khuyến khích, trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ năm 2009 - 2014. - Đoạt 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 2 giải Ba trong các kỳ thi Olympic cơ học toàn quốc các môn thi: ứng dụng tin học trong cơ học, cơ lý thuyết, thủy lực… qua các năm 2010 - 2014. - Học bổng Vallet của tổ chức khoa học và giáo dục “Gặp gỡ Việt Nam” trong ba năm 2011, 2013 và 2014 - Được trao các học bổng: Học bổng TOYOTA năm 2011 - 2012, Học bổng PVFC của Tổng công ty dầu khí Việt Nam năm 2012 - 2013, giải thưởng KOVA 2013 và học bổng KOVA năm 2014, học bổng PACIFIC năm 2014. - Giải thưởng KOVA dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc năm 2013-2014 - Thủ khoa trường ĐH Bách khoa Hà Nội 2014 với điểm học tập toàn khóa: 3,66 - Một trong 10 gương mặt xuất sắc được nhận Giải thưởng dành cho kỹ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam lần thứ 9 (Honda Y-E-S Award 2014). |