Người ta thường nói con hư tại mẹ, nhưng “quả đắng” mà ông đang phải gặt là người con trai hư hỏng, nông nỗi ấy đều do ông đã quá nuông chiều con mà nên. “Mày có về ngay không, ông ra ông táng cho một cái giờ”, tiếng người thanh niên hét lên làm những người đang tập thể dục ở vườn hoa khu tập thể đều giật mình. Mọi người tưởng anh đang quát em hay con mình, nhưng không, người bị quát lại là bố anh ta, ông đang lầm lũi bước phía trước.
Với những người quanh đấy, cái cảnh này không lạ, “tránh thằng cùn chẳng xấu mặt nào”, mọi người đều quay đi, vì có lần một người can thiệp đã phải vạ. Nên mọi người quen cảnh ấy đều không nói gì. Nhưng người mới thấy lần đầu không khỏi ngạc nhiên. Một bà quay lại bảo: “Sao cháu lại nói với bố thế”. Anh ta giơ nắm đấm ra: “Các bà biến đi, không tôi cũng táng cho đấy”. Ông quay lại rầu rĩ: “Thôi, tôi xin các bà đừng động vào, nó lại đánh cho thì khổ”. Anh ta tiếp tục quát tháo, rồi chạy lại lôi xềnh xệch ông lên nhà... Cảnh tượng làm buồn lòng tất cả những người chứng kiến, một người bảo: “Tôi mà nhục như thế thì chỉ có nước tự tử”. Nhưng sự đời nào có đơn giản vậy, không phải hôm nay, mà từ lâu rồi, người bố già cả và cả người vợ của ông đang khóc lóc ở nhà đã phải nuốt nước mắt vào lòng trước những trận chửi mắng, thậm chí là đánh vô cớ của con, chỉ vì ông bà làm trái lời anh ta, nhưng ông bà nào có chết được, bởi chính ông đã tạo ra “nghiệp chướng” ấy. Ông nhớ khi con trai vừa vào cấp hai, cũng là lúc kinh tế nhà ông bắt đầu khấm khá. Con một, nên ông lo cho con không thua kém bạn bè thứ gì. Anh con trai cũng bắt đầu tập tẹ ham chơi, lười học. Thầy giáo cho điểm kém, nó ngang nhiên cãi lại. Nhà trường kiểm điểm mời ông đến. Không những không răn dạy con, ông còn vặc lại: “Bụt không dính xôi sao gà tôi mổ mắt”. Rồi đến thầy hiệu trưởng phải nói thẳng: “Chúng tôi đau xót phải kỷ luật một học sinh. Nhưng chính là vì cháu, vì bác. Nếu để quá, sợ cháu sẽ hư hỏng mất. Nếu bác không nghe chúng tôi bây giờ, sau này bác sẽ phải hối hận đấy. Chúng tôi chỉ lo khi hai bác già cả rồi lại phải nghiến răng kêu trời”. Ông lại còn xưng xưng: “Chúng tôi có con, chúng tôi khắc biết cách lo cho nó... Nếu nhà trường không cho học, thì học trường khác, thiếu gì”. Và ông chuyển trường cho con. Qua mấy lần như thế rồi anh con trai cũng học qua THPT ở trường có người quen làm lãnh đạo. Không vào được đại học, anh con trai ở nhà. Ông lại bảo, “không học cũng được. Ngày xưa mình có học mấy chữ đâu mà cũng sống. Cứ làm ăn cùng bố, tiền nó đẻ ra đủ thứ...”. Làm đâu không thấy, nhưng anh ta được ăn chơi xả láng. Ông vẫn thỏa mãn mọi yêu cầu của con. Vợ ông lo ngại con lêu lổng, vô nghề nghiệp khuyên can ông hãy xem lại nó, cần cho nó học một nghề gì đó, rồi dạy bảo cho nên người. Lúc đó ông lại chửi vợ là ngu si, biết gì mà tham gia vào. Được bố trọng vọng, anh con trai càng ngông nghênh. Vợ ông nhìn chồng mà bất lực, lo sợ đến cái ngày ông phải hối hận vì cái cách chiều con không giống ai ấy. Cái lo của bà không phải chờ lâu. Con trai ông sa vào nghiện ngập, rồi cờ bạc, trai gái, tiền núi đổ vào cũng hết. Bây giờ ông ngồi rũ ra, đau đớn vì sai lầm của ông mà bất lực. Của cải trong nhà cũng không thể đủ để chu cấp cho những nhu cầu của anh con trai. Và mọi việc càng có vẻ rắc rối hơn, khi con trai ông đòi lấy vợ. Nhưng đó lại là một cô gái giang hồ, nên ông bà không đồng ý. Thế là con trai ông nổi khùng lên gây chuyện náo loạn, tuyên bố sẽ tự cưới, và khuân hết tivi, đồ đạc trong nhà đi bán. Không đủ đưa cả sổ đỏ căn nhà để cầm, lấy tiền… Có người bảo ông sao không báo công an xích cổ nó lại hoặc cứ mặc kệ nó, cho tự thân mà lo, chết đâu thì chết. Nhưng, đúng là chuyện đời đâu có đơn giản vậy. Ông biết bị con trù đạp hôm nay cũng là do ông mà nên, nhưng ông vẫn chưa biết làm thế nào để cứu vớt con và cứu vớt cả những năm tháng tuổi già khổ sở của họ.
Ảnh minh họa. |