Mới đây, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đã có những kết luận bước đầu về loại thuốc này.
Giữa tháng 11, vụ bắt giữ 80.000 lọ thuốc kích thích tăng trưởng giá đỗ khiến nhiều người bàng hoàng. Đây là vụ phát hiện số lượng hóa chất kích thích lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Mới đây, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đã có những kết luận bước đầu về loại thuốc này.
Ngày 28/11, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Đại tá Lê Văn Lợi - Trưởng Phòng Giám định Hóa Pháp lý, Viện Khoa học Hình sự cho biết: Phòng đã phân tích một loại thuốc kích thích giá đỗ và các loại rau, cây ăn quả. Bao bì thuốc chỉ có tên tiếng Trung Quốc. Kết quả cho thấy, thuốc này có chứa thành phần chủ yếu là chất 6-BA (6-Benzylaminopurine) và một lượng nhỏ pCPA (4-Chlorophenoxyacetic acid, Parachlorophenoxyacetate) được pha chế trong môi trường kiềm. Các loại hóa chất này không nằm trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.
Đại tá Lê Văn Lợi khẳng định, do có chứa hàm lượng kiềm cao nên nếu chất lỏng trong thuốc tiếp xúc trực tiếp có thể gây bỏng da. Nếu dây vào mắt có thể làm hỏng mắt, nếu nuốt hoặc hít phải có thể làm tổn thương bộ máy tiêu hóa và hệ hô hấp… Khi ăn với hàm lượng lớn các chất kích thích tăng trưởng thực vật này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Một số loại rau như giá đỗ, rau muống, rau su su… khi dùng loại thuốc kích thích tăng trưởng này sẽ cho sản lượng gấp đôi, thậm chí gấp ba bình thường. "Loại thuốc mà phía phòng Giám định Hóa Pháp lý, Viện Khoa học Hình sự đã giám định so với 80.000 lọ thuốc mà phía Công an TP Hà Nội bắt giữ được là một" - Đại tá Lê Văn Lợi cho biết.
Như vậy, sau một thời gian chờ đợi, người dân bước đầu đã biết được mức độ nguy hiểm của loại thuốc tăng trưởng giá đỗ mà phía cơ quan công an đã bắt giữ được.
Trước đó, như báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, ngày 13/11, tổ công tác Đội 6 - Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Công an TP Hà Nội, phối hợp với Đội QLTT số 11 - Chi Cục QLTT Hà Nội kiểm tra 2 xe ô tô tải, trọng tải 15 tấn chở đầy hạt đỗ xanh đang dừng đỗ ở phố Hà Huy Tập (huyện Gia Lâm). Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện trên xe ô tô BKS 29C-215.28 do lái xe Trịnh Quang Doanh (SN 1981), ở Tiên Du, Bắc Ninh điều khiển chở một lượng lớn hóa chất kích thích tăng trưởng dùng cho giá đỗ. Qua kiểm đếm, trên xe chở 20 thùng chứa chất kích thích tăng trưởng (tương đương 80.000 lọ, loại 2ml/lọ). Toàn bộ số thuốc trên có in nhãn mác Trung Quốc, không có tem nhãn phụ, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Vụ việc này được phát hiện sau một thời gian dài các trinh sát lần tìm các đầu mối mua bán, vận chuyển chất kích thích giá đỗ từ Trung Quốc đi các tỉnh, TP qua địa bàn Thủ đô.
Thuốc kích thích tăng trưởng rau mầm của Trung Quốc bị thu giữ.
|
Điều 7, Nghị định 91/2012/NĐ-CP ngày 6/11/2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP nêu rõ: Người nào sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng; phạt 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm, kèm hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh. |