Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GDP 9 tháng cao nhất trong 9 năm, CPI bình quân thấp nhất trong 3 năm

Trâm Anh-Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thông tin được công bố tại buổi họp báo sáng 28/9 của Tổng Cục Thống kê cho thấy, dù xuất khẩu gặp khó khăn trong tháng 9, song tựu chung 9 tháng đầu năm 2019 tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,98% - mức cao nhất trong 9 năm qua.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong bối cảnh kinh tế, thương mại, chính trị, an ninh thế giới có nhiều nét đáng lo ngại nhưng tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2019 đạt 6,98% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây.
 Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2019 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,82% của quý I và 6,73% của quý II năm nay. (Biểu đồ: Như Hương)
Cùng với đó là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017-2019; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động tăng lên; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. 
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2019 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,82% của quý I và 6,73% của quý II năm nay; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,53%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,05% và khu vực dịch vụ tăng 7,11%. Tăng trưởng của quý III năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,38% của quý III/2017 nhưng cao hơn mức tăng của quý III các năm 2012-2018 .
Động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,37%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%; thông tin và truyền thông tăng 7,65%).
 Biểu đồ cơ cấu GDP của nền kinh tế trong 9 tháng năm 2019. Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Thực hiện: Như Hương)
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu khác cũng cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Theo báo cáo của Nikkei, tâm lý kinh doanh vẫn rất lạc quan khi chỉ số PMI của Việt Nam trong 8 tháng năm nay tiếp tục duy trì mức trên 51 điểm, mức cao hơn các nước trong khu vực, các nhà sản xuất cho rằng sản lượng sẽ tăng trong thời gian tới và kỳ vọng nhu cầu thị trường cải thiện, số lượng đơn đặt hàng mới tăng. 
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện trong quý III/2019 cũng cho thấy, đa số các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, có 81,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay ổn định và tốt hơn quý trước… 
Về chỉ số tiêu dùng (CPI), theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9 tăng 0,32% so với tháng trước. Trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng cao nhất do các địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí cho năm học mới; giá thịt lợn tăng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và giá gạo, giá thực phẩm tươi sống tăng ở một số địa phương bị mưa lũ.
Tính chung bình quân 9 tháng năm 2019 tăng 2,5% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2019 tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm.