Đó là các tốc độ tăng cao hơn tốc độ của năm 2015 (2,8%) - một tín hiệu tích cực.
Khác với năm trước (tốc độ tăng GDP tính theo giá thực tế thấp hơn tốc độ tăng GDP tính theo giá so sánh - một hiện tượng hiếm có trong nhiều năm qua), năm 2016 tốc độ tăng GDP theo giá thực tế đã cao hơn tốc độ tăng GDP theo giá so sánh. Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP giá so sánh không đạt kế hoạch, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng thấp, quy mô GDP thực tế thấp hơn GDP được dùng để xác định dự toán thu, chi, bội chi ngân sách, các tỷ lệ bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài… Điều này đã làm cho tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP thực tế cao, các tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tăng lên nhanh và hiện ở mức cao. Chính vì thế, mặc dù có tốc độ tăng trong năm tương đối khá nhưng về mức tuyệt đối, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân vẫn còn thấp xa so với nhiều nước trong năm 2014 (Singapore 56.285 USD, Hàn Quốc 27.970 USD, Malaysia 11.307 USD, Trung Quốc 7.590 USD, Thái Lan 5.977 USD, Indonesia 3.492 USD, Philippines 2.873 USD…).
Như vậy, có thể thấy tổng GDP và GDP bình quân đầu người tính bằng USD của Việt Nam đã tăng với tốc độ khá. Tuy vậy, do điểm xuất phát thấp, nên tổng GDP và GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái hay tỷ giá sức mua tương đương còn ở mức thấp; chênh lệch với nhiều nước còn lớn và nguy cơ tụt hậu xa hơn vẫn còn hiện hữu.
Để tăng GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái, cần tập trung vào các yếu tố cấu thành làm tăng/giảm chỉ tiêu này. Tăng tổng GDP; giữ và giảm tốc độ tăng dân số; ổn định tỷ giá. Riêng việc ổn định tỷ giá, nhiều người (kể cả một số chuyên gia) thường kiến nghị phải tăng mạnh hơn tỷ giá VND/USD (tức là phá giá mạnh hơn VND). Tuy nhiên, điều quan trọng là cần chú ý đến “cánh kéo tỷ giá”, thể hiện ở hệ số chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương của Việt Nam còn khá lớn, năm 2014 là 2,74 lần (có nghĩa là sức mua 1 USD ở Việt Nam cao gấp 2,74 lần sức mua 1 USD ở Mỹ; hệ số chênh của Malaysia 2,29 lần, Philippines 2,43 lần, Singapore 1,47 lần, Thái Lan 2,63 lần...).