Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GDP quý I/2018 tăng cao nhất trong 10 năm: Động lực mới cho nền kinh tế

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mức tăng 7,38% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2018 đạt mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây.

Tại buổi họp báo sáng 29/3, Tổng cục Thống kê đã phân tích nguyên nhân, động lực và đề xuất các giải pháp thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng.
Samsung tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng

Trong mức tăng 7,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, góp 0,46 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,70%, góp 3,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,70%, góp 2,75 điểm phần trăm. Cùng với sự phục hồi của nông nghiệp, dịch vụ, sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến chế tạo là yếu tố chính đóng góp vào mức tăng trưởng chung của quý I.
 Kiểm tra kỹ thuật mạch điện tử điện thoại tại Công ty SamSung Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
Cụ thể, ở khu vực công nghiệp và xây dựng, bên cạnh ngành khai khoáng tăng trưởng dương (trong khi liên tiếp 2 năm 2016 - 2017 tăng trưởng âm), thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng ngoạn mục với 13,56% - mức cao nhất trong 7 năm gần đây, đã đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung. Riêng xuất nhập khẩu mặt hàng điện thoại di động và linh kiện, quý I tăng trên 58%. Đặc biệt, Samsung đóng góp rất lớn trong việc gia tăng sản xuất và xuất khẩu hơn 5 triệu sản phẩm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quan ngại của nhiều chuyên gia đánh giá, rủi ro tăng trưởng là chỉ dựa vào tài nguyên và xuất khẩu lớn của một số DN FDI.

“Với Formosa, đây là năm thứ hai đi vào vận hành sản xuất. Năm 2018, Formosa dự kiến tăng trưởng 26,7%. Sản lượng của Formosa tăng lên sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng chung của ngành” - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp Phạm Đình Thúy cho biết.

Tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 99,7% kim ngạch hàng điện thoại và linh kiện; chiếm 90% kim ngạch máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; chiếm 61% kim ngạch hàng dệt may. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2018 ước tính đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 53,01 tỷ USD, tăng 13,6%. Cán cân thương mại hàng hóa tính chung quý I/2018 xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,3 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,6 tỷ USD.

Tăng nội lực trong nước

Giải thích cho mức tăng GDP quý I/2018 cao nhất trong 10 năm trở lại đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đưa ra 3 lý do. Thứ nhất tăng trưởng quý I/2018 giữ được đà tăng trưởng của 6 tháng cuối năm ngoái. Thứ hai do so sánh với mức tăng trưởng thấp của cùng kỳ. Thứ ba, sản xuất của Việt Nam có tính mùa vụ, do đó quý I thường tăng trưởng thấp và có hiện tượng tăng trưởng quý sau tăng cao hơn quý trước. Tuy nhiên, ở 3 tháng đầu năm 2018, hiện tượng này có nhưng không nhiều, không tác động như các năm trước.

Theo thống kê, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,27% do giá ô tô và xăng dầu giảm nhưng CPI quý I/2018 vẫn tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,92% so với tháng 12 năm trước. Theo cơ quan thống kê, lạm phát hiện chịu áp lực rất lớn từ xu hướng điều chỉnh giá dịch vụ công; những tác động từ việc tăng thuế môi trường, thu nhập cá nhân theo đề xuất của Bộ Tài chính... Tổng Cục Thống kê đưa ra 3 kịch bản, trong đó có 2 kịch bản CPI bình quân dưới 4%. Kịch bản thứ 3 là giá thực phẩm, nhiên liệu tăng sẽ làm CPI tăng trên 4%.

Dù tăng trưởng kinh tế quý I tích cực, nhưng theo ông Lâm phải nỗ lực rất lớn để nền kinh tế có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Thách thức của kinh tế Việt Nam hiện nay là lạm phát hiện chịu áp lực rất lớn từ xu hướng điều chỉnh giá dịch vụ công; diễn biến giá trên thị trường quốc tế và điều chỉnh chính sách tiền tệ; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp… “Độ mở nền kinh tế của Việt Nam hiện rất cao, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào tổng cầu thế giới” - ông Lâm nói.

Ông Lâm cho rằng, chính sách cải cách và giảm thuế của Mỹ sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu 2018 là đợt cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Thuế DN từ 35% xuống 20%, dòng vốn đầu tư sẽ đảo chiều, điều này sẽ ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư, thị trường tiền tệ và hoạt động sản xuất trong nước. Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, lượng hóa tác động, có phản ứng chính sách phù hợp. Đồng thời, để giảm bớt phụ thuộc vào khu vực nước ngoài, cần xác định phát triển DN lấy nền tảng phải là khu vực tư nhân và trụ cột là các tập đoàn kinh tế tư nhân, tạo sức bật cho nền kinh tế.