Vì đó không chỉ là kết quả của sản xuất, mà còn là tiền đề của đời sống, là cơ sở để so sánh quốc tế, qua đó thể hiện sự chuyển dịch của đẳng cấp quốc gia.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng từ 1999 đến nay, ngay cả khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu (năm 2008). Và đến năm 2010 chỉ số này đã có bước chuyển vị thế quan trọng, chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình. GDP bình quân đầu người của Việt Nam có tốc độ tăng khá (năm 2015 GDP bình quân đầu người ước đạt 45,7 triệu đồng/người, tương đương 2.109 USD cao gấp gần 1,7 lần so với năm 2010, bình quân một năm tăng 10,62%). Tốc độ tăng này cao hơn nhiều nước. GDP bình quân đầu người tăng khá do nhiều yếu tố. Đầu tiên đó là, tốc độ tăng trưởng GDP khá (năm 2015 so với năm 2010, nếu tính theo giá so sánh thì cao gấp trên 1,3 lần, bình quân một năm tăng 5,91%; nếu tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thì cao gấp 1,7 lần, bình quân một năm tăng 11,82%). Thứ hai, do dân số Việt Nam đã tăng chậm lại (bình quân thời kỳ 2011 - 2015 dân số tăng 1,07%/năm), thấp hơn tốc độ tăng của các thời kỳ trước đó. Ngoài ra, phải kể đến yếu tố do tốc độ tăng tỷ giá VND/USD trong thời kỳ 2012 - 2015 thấp (bình quân tăng gần 0,81%/năm); nếu không kể năm 2015 tăng cao (tháng 12/2015 so với tháng 12/2014 tăng 5,34%), thì bình quân 2012 - 2014 còn thấp hơn nhiều.
Bên cạnh những điểm nhấn tích cực đó về GDP bình quân đầu người tính bằng USD của Việt Nam cũng còn những hạn chế và đứng trước những thách thức không nhỏ. Tốc độ tăng cao chủ yếu do đi từ điểm xuất phát thấp nên giá trị tuyệt đối của 1% tăng lên rất nhỏ. Hơn nữa, tốc độ tăng đang chậm lại nhanh (2011 tăng 19,2%, 2012 tăng 15,3%, 2013 tăng 9,1%, 2014 tăng 7,6%, 2015 tăng 2,8%). Trong khi về mức tuyệt đối còn thấp (đứng thứ 141/193 trên thế giới). Chênh lệch mức tuyệt đối với nhiều nước ngày một tăng, chứng tỏ tụt hậu ngày càng xa hơn và đứng trước nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình. Với mức 2.109 USD/người và cùng với nhiều tiêu chí khác, Dự thảo Văn kiện Đại hội XII dự báo đến năm 2020 chưa đạt được mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (phải đạt trên 5.000 USD). Trong thời gian tới, nếu đồng USD lên giá sau khi tăng lãi suất, các đối tác thương mại lớn và Trung Quốc tiếp tục hạ giá đồng nội tệ mạnh hơn, nếu việc điều hành tỷ giá không phù hợp, tốc độ tăng GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ còn thấp hơn nữa.