Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GELEX đang ở đâu khi người dân khốn khổ vì nước sạch sông Đà ô nhiễm?

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù là doanh nghiệp sở hữu cổ phần chi phối Công ty Nước sạch Sông Đà (Viwasupco), thế nhưng Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam - GELEX vẫn im lặng trước thiệt hại mà khách hàng của mình đang phải gánh chịu, từ sự cố xảy ra đối với nguồn nước mặt sông Đà.

Tại Hội nghị Giao ban Báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 15/10, Giám đốc Viwasupco Nguyễn Văn Tốn vẫn quanh co cho rằng công ty cũng là nạn nhân.

Như Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, Viwasupco tiền thân là doanh nghiệp dự án của Tổng công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) thực hiện dự án Nhà máy nước sạch sông Đà. Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Gelex cho biết, DN này đã nâng sở hữu vốn tại Viwasupco lên trên 50% và chính thức quản lý đơn vị này từ tháng 12/2017.
Trong báo cáo thường niên 2018 tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 cũng thể hiện rõ, Gelex chính thức sở hữu chi phối nhà máy nước sông Đà với 60,46% và triển khai khởi công phân kỳ 1- Giai đoạn 2 Dự án nước sông Đà.
Thế nhưng đến nay, bao nhiêu người dân mua nước của Viwasupco, thực chất là của GELEX, đang hết sức khốn đốn vì sử dụng nước sạch bị ô nhiễm thì "ông chủ" GELEX vẫn im hơi lặng tiếng về trách nhiệm của mình.
Chiều 15/10, tại Hội nghị Giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, rất nhiều nhà báo đặt câu hỏi về trách nhiệm của Viwasupco, của GELEX đối với thiệt hại của khách hàng là người dân khu vực bị ảnh hưởng từ nguồn nước mặt sông Đà, đại diện Viwasupco - Giám đốc Nguyễn Văn Tốn vẫn trả lời vòng vo, thậm chí cho rằng Viwasupco cũng là nạn nhân và bản thân ông cũng chỉ là giám đốc làm thuê.
Trước đó ngày 14/10, trả lời phóng viên Kinh tế & Đô thị qua điện thoại về trách nhiệm của DN trong sự cố nói trên, Chủ tịch HĐTV GELEX cũng chỉ ngắn gọn rằng, DN đang nỗ lực với các giải pháp để đảm bảo nước sạch cho người dân. Thông tin cụ thể sẽ cử lãnh đạo Viwasupco cung cấp thêm, TP Hà Nội sẽ có thông báo chính thức về kết quả kiểm tra sự cố và kiểm nghiệm nguồn nước.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh khẳng định, nếu xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn cấp nước thì hành vi này là hết sức đáng lên án và cần phải xử lý theo quy định pháp luật. Việc xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra.
Cũng theo Luật sư Diệp Năng Bình, bên cạnh những thiệt hại về tinh thần trước sự hoang mang, lo lắng của hàng trăm nghìn người dân Thủ đô, những thiệt hại về kinh tế cũng không nhỏ khi người dân phải tự đi mua nước đóng bình về để phục vụ sinh hoạt, phải thay bộ lõi lọc cho các máy lọc nước trong gia đình... Do đó, người dân hoàn toàn đủ cơ sở để yêu cầu đơn vị cung cấp nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ những thiệt hại gây ra.