Thay đổi nhận thức trong chăn nuôiTheo ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, ngày 7/3 đã phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Dương Quang, với đàn lợn 29 con. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 70 con lợn mắc bệnh và được tiêu hủy hoàn toàn.
Điều quan trọng nhất là công tác phòng chống dịch bệnh được huyện chủ động và tuyên truyền cho người dân hiểu về bệnh tả lợn châu Phi. Lúc đầu một số người dân cũng xa lánh không dám ăn thịt lợn, nhưng sau một thời gian tuyên truyền, bây giờ người dân đã nâng cao nhận thức về bệnh tả châu Phi trên lợn.
|
Người dân rắc vôi bột phòng chống dịch tả lợn châu Phi. |
Để làm thay đổi nhận thức của người dân, cuối năm 2018 huyện Gia Lâm đã xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch tả lợn châu Phi. Huyện mời toàn bộ lãnh đạo các xã, phòng ban chuyên môn, cán bộ thú y quán triệt về công tác phòng chống dịch tả. Cụ thể, khi chưa có dịch bệnh xảy ra đã triển khai công tác tuyên truyền trên loa đài, về lịch sử hình thành của bệnh, diễn biến và cách phòng chống; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng; thống kê đàn gia súc để quản lý; tiêm phòng đẩy đủ các mũi tiêm phòng; tuyên truyền cho người dân hiểu được bệnh tả lợn châu Phi không lây sang người. Ngay trước Tết Nguyên đán, huyện Gia Lâm đã phun hóa chất khử trùng tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, giết mổ, chợ, khu công cộng, nơi tập kết rác.
Những hộ chăn nuôi lớn đều chủ động phòng chống bệnh dịch nói chung và dịch tả lợn nói riêng. Khi xảy ra dịch, cán bộ thú ý đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh, khi xác định lợn có dương tính với chủng tả châu Phi đã cho tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị nhiễm bệnh. Khử trùng tiêu độc toàn xã.
Ông Nguyễn Hữu Khoa, hộ chăn nuôi trang trại chia sẻ: Từ khi xung quanh xảy ra dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông được cán bộ thú ý xã thường xuyên đến kiểm tra tình hình chăn nuôi, tư vấn phòng tránh dịch bằng việc rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng tiên độc, không tận dụng thức ăn thừa cho lợn ăn tránh nguôn lây nhiễm.
|
Cán bộ thú y hướng dẫn phòng chống dịch bệnh tả cho đàn lợn ở Gia Lâm. |
Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch nên dù xung quanh huyện là các địa phương Hưng Yên, Long Biên, Bắc Ninh, Hoàng Mai có lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi thì Gia Lâm mới có lợn bị mắc. Đàn lợn bị mắc bệnh hầu hết là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn hạn chế trong tư duy sản xuất và chủ quan trong phòng chống bệnh dịch. Huyện đã khoanh vùng dịch, đến nay chưa phát sinh ổ dịch mới. Đặc biệt, những xã chăn nuôi số lượng lớn đều không để xảy ra dịch tả châu Phi như xã Văn Đức có trên 10.000; Lệ Chi, Phù Đổng đều là những xã có vài nghìn con lợn.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm khẳng định, đến nay chỉ có những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn hạn chế trong cách phòng chống dịch mới để lợn lây nhiễm bệnh. Các trang trại, gia trại chăn nuôi lớn không hộ nào bị lây nhiễm bệnh tả châu Phi. Như vậy, những hộ chăn nuôi quy mô lớn đã thay đổi nhận thức trong chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Thịt lợn ở vùng dịch được cung cấp như thế nào?Khi có xã trên địa bàn huyện Gia Lâm phát hiện dịch tả lợn châu Phi nhiều người dân tỏ ra hoang mang. Có người đã không ăn thịt lợn. Tuy nhiên, khi huyện làm tốt công tác tuyên truyền cho dân hiểu về dịch tả lợn châu Phi không lây sang người mỗi ngày 2 lần trên loa truyền thanh về diễn biến dịch tả lợn châu Phi; việc khoanh vùng dập dịch đối với các địa phương. Do đó, các xã có lợn nhiễm bệnh tả châu Phi đều không được vận chuyển ra ngoài. Tất cả các đường làng, ngõ xóm đến UBND xã đều phải phun khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột. Thôn có đàn lợn nhiễm bệnh đều lập chốt kiểm soát chặt chẽ của cán bộ thú y.
|
Trong những ngày trên địa bàn có dịch, ông Nguyễn Khoa Vị thường xuyên đến từng hộ gia đình chăn nuôi kiểm tra công tác phòng chống bệnh dịch và trực tiếp chứng nhận lợn đủ điều kiện xuất chuồng cho người dân. |
Ông Lê Văn Uyên - Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xá chia sẻ: Dương Xá nằm sát với Dương Quang - địa phương có đàn lợn nhiễm bệnh tả lợn châu Phi nên xã đã giao cho cán bộ thú y mua vôi bột giao cho từng hộ gia đình chăn nuôi rắc xử lý nguy cơ lây nhiễm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không hoang mang và sử dụng thịt lợn bình thường.
Làm cán bộ thú y xã Dương Xá, ông Nguyễn Khoa Vị cho biết: Lúc đầu mới có dịch tả châu Phi tại xã Dương Quang, nhiều người dân không dám ăn thịt lợn. Nhưng ông đã có những bài viết tuyên truyền trên loa truyền thanh về nguồn gốc, diễn biến của bệnh tả châu Phi, hướng dẫn người dân không nên từ bỏ thịt lợn mà lựa chọn thịt đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Hàng ngày ông đều kiểm tra các điểm kinh doanh thịt lợn tại các chợ, kịp thời phát hiện các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Chính vì công khai cho dân biết việc kiểm soát được nguồn cung thịt lợn bày bán tại các chợ nên người dân xã Dương Xá không còn hoang mang và quay trở lại ăn thịt lợn bình thường.
|
Người dân đã quay trở lại ăn thịt lợn bình thường sau khi có dịch. Cuối buổi chiều chợ Dương Xá đã bán hết thịt lợn, chỉ còn thịt gia cầm. |
Ông Kha người dân ở Dương Xá chia sẻ: Ở xã này có một số hàng kinh doanh thịt, họ bắt lợn nhà ai chúng tôi đều biết rõ nguồn gốc. Lúc đầu mới có dịch nhiều người xung quanh đây không dám ăn thịt lợn, nhưng bây giờ hiểu bệnh tả lợn không lây sang người và được cơ quan thú y kiểm soát chặt nguồn thực phẩm cung cấp nên mọi người trở lại ăn thịt bình thường.
Ông
Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết thêm: Sau khi có dịch tả lợn trên địa bàn, huyện siết chặt quản lý không có lợn bệnh tuồn ra thị trường. Với các xã không có dịch, huyện giao cho cơ quan thú y kiểm soát chặt chẽ và xác nhận lợn khỏe mạnh mới cho xuất bán bảo đảm tiêu dùng trên địa bàn và các vùng lân cận, không để khan hiếm hàng tại vùng có dịch và không để người chăn nuôi tồn đọng lợn khi đến hạn phải xuất chuồng.
Tính đến nay, sau 13 ngày công bố dịch, Gia Lâm không phát sinh thêm ổ dịch mới và số lượng lợn đến kỳ xuất chuồng được trên 3.000 con so với thời điểm đầu tháng 3 khi chưa có dịch. Tổng đàn lợn trên địa bàn đã giảm từ trên 55.000 con xuống còn 52.000 con.
Như vậy, kiểm soát chặt nguồn lây bệnh cho đàn con nuôi và kiểm soát đầu ra thực phẩm cung ứng trên địa bàn không chỉ hạn chế dịch bệnh lây lan mà còn tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp tục phát triển.