Cứu người trong lũ không phút nghỉ ngơi
Chiều hôm qua (11/10), sau nhiều giờ chờ đợi, tôi mới được Thiếu tá Nguyễn Văn Quyền - Phó Trưởng phòng Hậu cần và trang bị kỹ thuật Cảnh sát PCCC Thanh Hóa sắp xếp cho tôi lên một chiếc ca nô, cùng các chiến sĩ vào vùng lũ, cứu dân.
Chiếc xe mô tô nước rẽ sóng lao vun vút trên biển nước mênh mông, trắng xóa để kịp ứng cứu những người dân đang mặc kẹt ở giữ dòng lũ dữ. Ca nô chúng tôi chạy trên những cánh đồng mía bị ngập trắng băng. Đôi lúc, khi ca nô rẽ vào một nhà dân nào đó, chúng tôi phải cúi mình xuống để tránh va quệt vào dây điện chăng ngang. Giữa mênh mông biển nước, nhiều người dân đứng lố nhố trên những nóc nhà hai tầng, chờ người đến cứu hộ.
Hai vợ chồng cụ già Vũ Ngọc Giao (83 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng (79 tuổi) ở thôn Hòa Lâm, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), khi được lượng Cảnh sát PCCC cứu hộ đưa ra khỏi vùng lũ, cụ Giao nghẹn ngào. “Tôi sống ngần này tuổi rồi mà chưa bao giờ thấy nước to như vậy. Mưa to lắm, nước lên nhanh lắm, người tôi bị ướt hết, rét run và đói. Hai vợ chồng già và đứa con gái chỉ kịp trèo lên nóc nhà để khỏi bị chết đuối. Tôi tưởng, vợ chồng già này không qua khỏi đận này. May sao, các chú cảnh sát dùng ca nô vô tận nhà đưa cả gia đình ra, cấp đồ ăn, thức uống cho hai vợ chồng tôi. Tôi chỉ biết cám ơn cán bộ thôi”.
Ông Vũ Ngọc Nam – Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, cho biết, nước lũ dâng cao đã khiến các thôn Hưng Long, Hòa Lâm, Xuân Thắng bị ngập chìm trong biển nước. “Xã Ngọc Phụng có 1.938 hộ dân, nhưng nước lũ đã làm ngập gần 800 hộ. Nước lũ dâng quá cao, quá lớn nên huyện và xã đã phối hợp với các ngành chức năng di dời gần 3.000 người dân, của hơn 750 hộ gia đình lên các điểm cao, nhà văn hóa thôn để tránh lũ. Toàn bộ diện tích ngô đông, rau màu các loại của xã (hơn 60 ha) đều bị chìm trong nước.
Không chỉ cây màu vụ đông, mà 120 ha mía của người dân trong xã cũng đã bị ngập trong lũ rồi. Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa thể thống kê được số lượng gia súc, gia cầm của người dân bị thiệt hại bao nhiêu. Trước mắt, địa phương đang tập trung sơ tán dân, đảm bảo tính mạng cho bà con ra khỏi vùng lũ, đồng thời tập trung cứu trợ lương thực cho các hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai. Trận lũ này sẽ gây thiệt hại rất nặng nề về tài sản cho người dân Ngọc Phụng. Tuy nhiên, đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa thể thống kê được là bao nhiêu”- ông Nam cho biết thêm.
Lũ gây thủng đê, hàng nghìn hộ dân vẫn bị cô lập
Hơn 4giờ sáng ngày 12/10, tại khu vực Trạm bơm thủy lợi Quang Hoa, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, một đoạn đê sông Cầu Chày đã bị thủng. Ngay sau khi phát hiện sự cố, tỉnh Thanh Hóa, huyện Thọ Xuân đã điều động hàng trăm người tham gia cứu hộ đê.
Ông Lê Huy Hoàng- Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết, chính quyền địa phương và UBND tỉnh đã điều động hàng trăm cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 923 và lực lượng tại địa phương tham gia cứu hộ. Quân khu IV cũng điều lượng lượng quân đội về hỗ trợ cứu đê. “ Đây là đoạn đê vừa được đắp lại, nền đê vẫn còn yếu cộng với việc đang thi công trạm bơm thủy lợi, nên khi nước to, đã ăn lồng vào thân đê, dạng hàm ếch gây thủng. Lực lượng cứu hộ đê đã phải lao cả một chiếc máy xúc xuống để chặn lực đẩy của nước, sau đó xử lý. Hiện tại, đoạn đê này đã được lượng lượng cứu hộ kịp thời và đang gia cố cho chắc chắn", ông Hoàng cho hay..
Sau khi cứu được đoạn đê ấy, người dân ở xã Xuân Minh và 6 xã vùng hạ lưu đoạn đê này thuộc huyện Thọ Xuân đã thở phào.
Trong khi đó, trưa 12/10, huyện miền núi Thạch Thành đã bị chia cắt nhiều tuyến đường do nước lũ. Hầu hết, các tuyến đường về trung tâm huyện Thạch Thành đều đã bị nước lũ dâng ngập, chia cắt, nước tiếp tục dâng, người dân trong vùng lũ tiếp tục di tản người và tài sản đến nơi an toàn.
Trước đó, đêm 11/10, nước sông Bưởi đã tràn qua đê, người dân các xã Thạch Định, Thành Vinh, Thành Mỹ, Thạch Lâm, Thành Kim... được lệnh di dời ngay trong đêm. Gần 3.500 hộ dân vùng trũng thấp và có nguy cơ sạt lở đã tiến hành sơ tán đến nơi an toàn. Huyện Thạch Thành cũng đã chỉ đạo ngành chức năng thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” để chống lũ, chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, thuốc men, lương thực, không để cho nhân dân đói, rét trong lũ. Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thành cũng đã di chuyển 218 bệnh nhân đến nơi điều trị an toàn.
Chị Phạm Thị Đức, trú tại thôn Thạch Toàn, xã Thạch Định, cho biết: Năm 2007, huyện Thạch Thành cũng hứng chịu một đợt lũ lớn, gây ngập lụt nhiều nơi do đê sông Bưởi bị vỡ. Nhưng năm nay, nước sông Bưởi đã tràn đê, dâng cao hơn so với năm 2007. Rất may, đến thời điểm hiện nay, người và tài sản đã được di chuyển đến nơi an toàn. Nhưng nếu nước lũ tiếp tục lên thì sẽ chưa biết thế nào, thiệt hại lớn về tài sản của người dân là không thể tránh khỏi”.
Đến chiều tối 12/10, các tuyến Quốc lộ 45, 217 về trung tâm huyện Thạch Thành vẫn đang bị ngập nước, chia cắt. Và thuyền xuồng là phương tiện để lực lượng chức năng di chuyển cứu trợ, kiểm tra, chỉ đạo tình hình mưa lũ. Phó Bí thư huyện ủy Thạch Thành Phạm Trọng Dũng cho biết: Hiện nay, nước sông Bưởi vẫn đang lên chậm. Lực lượng chức năng đang di chuyển bằng xuồng vào từng vùng ngập lụt để cứu trợ người dân đang tránh lũ, di chuyển những nơi người dân tránh lũ không an toàn đến vị trí an toàn...
Còn tại TP Thanh Hóa, lũ sông Mã dâng lên cũng đã khiến 450 căn nhà của người dân ở phường Đông Hải bị ngập nước, hơn 1.500 người dân phải di dời nơi ở và tài sản đi nơi khác. Đến chiều cùng ngày, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đang khẩn trương đưa lương thực, nhu yếu phẩm và nước uống cứu trợ cho người dân.
Tính đến thời điểm này, tại Thanh Hóa, mưa lũ đã khiến hàng chục người chết và mất tích. Nhiều địa phương như Nông Cống, Hà Trung, Lang Chánh, Thạch Thành, Như Xuân, Thường Xuân, Quan Sơn vẫn bị chia cắt cục bộ, nước ngập hàng ngàn ngôi nhà. Thiệt hại tài sản của người dân do lũ gây ra hiện vẫn chưa thống kê được.