Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá cả đang diễn biến bất ngờ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 11 giảm 0,27% so với...

Kinhtedothi - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 11 giảm 0,27% so với tháng 10. Đây là lần giảm thứ hai trong năm nay kể từ tháng 3 (giảm 0,44%). Như vậy, so với cuối năm 2013, CPI tăng 2,09% và CPI bình quân 11 tháng năm 2014 tăng 4,3% so với cùng kỳ.

Nếu như CPI giảm vào tháng 3 có thể hiểu được vì số gốc so sánh là giá cả tăng do nhu cầu cao hơn vào dịp Tết Nguyên đán. CPI tăng thấp trong tháng tiếp theo cũng có thể hiểu được vì tính mùa vụ theo thông lệ từ nhiều năm trước. Nhưng CPI giảm vào tháng gần cuối năm như năm nay là điều hiếm thấy trong mấy chục năm qua. CPI tháng 11 trong mấy chục năm qua chỉ có năm 2008 là giảm, nhưng chủ yếu do quyết liệt thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, khi tốc độ tăng CPI đã quá cao trong 9 tháng đầu năm (tăng tới 21,87%). CPI sau 11 tháng năm nay tăng thấp nhất so với cùng kỳ 13 năm qua (tính từ năm 2002).

 
Người tiêu dùng chọn mua hàng khuyến mại tại Metro Thăng Long. 	Ảnh: Trần  Việt
Người tiêu dùng chọn mua hàng khuyến mại tại Metro Thăng Long. Ảnh: Trần Việt
Từ diễn biến 11 tháng và khả năng tăng trong tháng 12 tới đây, các chuyên gia đã dự báo CPI cả năm nay chỉ tăng dưới 3%. Nếu dự báo này đúng thì đây là năm thứ ba, CPI liên tục chậm lại; tốc độ tăng thấp nhất trong 13 năm qua (trong đó có 2 năm  2002, 2003 nằm trong thời kỳ 1999 - 2003 được coi là giảm phát); tốc độ tăng CPI thấp chưa bằng một nửa mục tiêu Quốc hội đề ra, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng GDP là một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua. Đây không chỉ là sự bất ngờ của các chuyên gia, mà còn là sự bất ngờ của cả các cơ quan hoạch định chính sách vĩ mô. Báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội đầu kỳ họp còn dự báo cả năm tăng dưới 5%, nhưng gần cuối kỳ họp dự báo chỉ còn dưới 3%.

Sự bất ngờ còn được thể hiện ở các yếu tố tác động đến lạm phát (chi phí đẩy, cầu kéo, tiền tệ - tín dụng, tâm lý). Về chi phí đẩy, giá nhập khẩu tính bằng USD giảm năm thứ ba liên tiếp với tốc độ giảm nhiều hơn và tỷ giá VND/USD tăng thấp, nên giá nhập khẩu tính bằng VND cũng giảm; Mặt bằng lãi suất giảm so với năm 2013. Về yếu tố cầu kéo, có nguyên nhân do tổng cầu vẫn còn yếu. Quan hệ giữa cung và cầu đã chuyển từ cầu lớn hơn cung những năm trước kia sang cầu thấp hơn cung từ mấy năm nay. Năm nay lương tối thiểu lại không được điều chỉnh, trong khi lao động ở các DN ngừng hoạt động, giải thể, thu hẹp sản xuất lại tăng. Trong khi đó, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm từ mấy năm qua và năm nay vẫn giảm so với năm trước. Về yếu tố tiền tệ - tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp trong mấy năm liền. Năm nay, lại bị giảm, đến gần giữa năm mới có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng có một phần quan trọng đã được dồn vào mua trái phiếu Chính phủ, tính chung tốc độ tăng tín dụng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng tiền gửi. Về yếu tố tâm lý, cả DN và ngân hàng thương mại vẫn còn tâm lý e ngại nợ xấu, dẫn đến tâm lý "co cụm". Người dân có "bát ăn bát để" thì vẫn có tâm lý "tích cốc phòng cơ", "thắt lưng buộc bụng", tiếp tục gửi tiết kiệm ngay cả khi lãi suất tiền gửi giảm xuống, tiếp tục mua vàng mặc dù giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới mười mấy phần trăm...

Lạm phát thấp là một tin vui, nhưng để niềm vui trọn vẹn hơn cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, ngăn chặn tình trạng ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, kinh doanh, để tăng trưởng thực sự thoát đáy vượt dốc đi lên tiến tới phục hồi trong thời gian tới.