Giá cà phê hôm nay 10/8: Đồng loạt tăng, Robusta gần 1.800 USD/tấn, cà phê Việt cần thêm "vaccine" chống Covid-19 |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 36.200 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 37.100 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 37.000 đồng/kg.Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 37.000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 36.900 đồng/kg ở Đắk R'lấp.Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 37.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 36.900 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 36.900 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm tăng 600 - 700 đồng/kg với cùng thời điểm sáng hôm qua. Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2021 tăng 42 USD/tấn ở mức 1.785 USD/tấn, giao tháng 11/2021 tăng 43 USD/tấn ở mức 1.797 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 tăng 3,35 cent/lb ở mức 179,35 cent/lb, giao tháng 12/2021 tăng 3,4 cent/lb ở mức 182,45 cent/lb.Trước phiên khóa sổ vị thế kinh doanh trên 2 sàn vào ngày hôm nay, các quỹ đầu cơ lớn đã tăng mua để gom hàng, do trước đó họ đã bán mạnh ở tuần trước. Hiện tồn kho trên cả 2 sàn đều giảm so với quần qua.Hiện nay tình hình khô hạn ở Brazil vẫn chưa rõ ràng. Quốc gia này chỉ còn 15% diện tích Arabica mùa năm nay là chưa thu hoạch. Như vậy, theo nhà môi giới Safras & Mercado, còn hái chừng nửa triệu tấn nữa là mùa 2021 Brazil hoàn thành. Ước đoán của công ty này nói sản lượng Brazil năm nay chừng 3,39 triệu tấn trong đó có 1,23 triệu tấn Robusta. Nhìn chung thời tiết trong 10 ngày tới khô ráo, thuận lợi cho công tác thu hoạch, cộng với nền nhiệt độ ấm khô, thuận lợi cho cây cà phê dưỡng sức đợi đến khi có mưa bung hoa đại trà.Với thị trường trong nước, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt chừng 730 nghìn tấn trị giá 1,15 tỷ USD, giảm 9,3% về lượng và 3,1% về giá trị. Theo nhận xét của Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương, xuất khẩu cà phê quý 2/2021 sang các thị trường đều giảm so với quý 1. Điều này chứng tỏ ảnh hưởng dịch bệnh và logistics đang là một trở lực lớn cho ngành cà phê trong 6 tháng cuối năm.Trong tình hình đó, chuyên gia Nguyễn Quang Bình nhận định: Dù Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã khởi động và tạo dựng một chương trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê ngon - đặc sản, chú trọng đến chất lượng tách cà phê uống trên thị trường nội địa và khuyến khích xuất khẩu cà phê sạch, giá trị cao, nhưng lệnh giãn cách xã hội đang làm chậm quá trình liên kết giữa nông dân và chuỗi quán vốn rất được chú trọng trong sản xuất cà phê bền vững. Với các hợp đồng giữa nông dân và chuỗi quán đã thiết lập trước thời giãn cách, hiện nay các chuỗi quán vẫn tiếp tục mua cà phê nguyên liệu Robusta với mức cao, từ 50-60 triệu đồng/tấn thì so với thị trường thương mại hiện nay chỉ quanh 37-37,2 triệu đồng/tấn.Theo vị chuyên gia, thách thức của cà phê thương mại xuất khẩu đại trà ngày càng rõ, theo hướng tiêu cực, thì cách đi của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột càng tỏ ra đúng hướng. Nông dân sản xuất cà phê bền vững đang cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, không chỉ từ chính sách mà còn cần được kích hoạt bằng những gói hỗ trợ tài chính và tín dụng. Cần thấy rằng đại dịch còn kéo dài và không còn cách nào khác là phải sống chung với nhiều lần giãn cách dài ngày hay ngắt quãng. ''Nên chăng các cấp chính quyền xem đây là một cái nền mới, vững chắc hơn cho một ngành cà phê trong thời kỳ “bình thường mới”'', ông Nguyễn Quang Bình nêu quan điểm.