Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.700 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.600 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.600 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.700 đồng/kg. Thị trường cà phê trong nước đi ngang tại các địa phương so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Kết thúc tuần này, giá cà phê nội địa giảm 300 - 500 đồng/kg. Tuần trước, cà phê trong nước tăng trung bình 500 đồng/kg, tuần trước nữa thị trường thêm 1.000 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2023 giảm 34 USD/tấn ở mức 1.884 USD/tấn, giao tháng 3/2023 giảm 12 USD/tấn ở mức 1.864 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2023 giảm 0,55 cent/lb, ở mức 158,15 cent/lb, giao tháng 5/2023 giảm 0,45 cent/lb, ở mức 158,95 cent/lb.
Tổng kết tuần, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2023 giảm 4 USD/tấn; giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm 5,05 cent/lb.
Khởi đầu tuần này, giá cà phê hai sàn kỳ hạn đảo chiều tăng thận trọng, khi dữ liệu báo cáo tồn kho được chứng nhận có sự cải thiện đáng kể. Lo ngại rủi ro tăng cao sau báo cáo Bảng lương tháng 11 của Mỹ có phần lạc quan, với khả năng Fed sẽ duy trì chính sách thắt chặt kinh tế kéo dài để đạt mục tiêu đẩy lùi lạm phát đã khiến lợi suất Trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn tăng vọt trở lại và thị trường chứng khoán tiếp tục sụt giảm.
Phiên tiếp theo, thị trường tiếp nối xu hướng tăng do USDX tiếp tục sụt giảm đã hỗ trợ các tiền tệ mới nổi lấy lại giá trị, qua đó kích thích quỹ và đầu cơ quay lại thị trường để tăng mua sau.
Góp phần củng cố xu hướng tăng là báo cáo sản xuất và xuất khẩu tháng 10 sụt giảm của Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) Colombia. Theo báo cáo, sản lượng cà phê trong tháng 10 chỉ đạt 1.0650.000 bao, giảm 710.000 bao, tức giảm 6,27% so với cùng kỳ năm trước và xuất khẩu trong tháng 10 chỉ đạt 854.000 bao, giảm 281.000 bao, tức giảm 24,76% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, thông tin Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu áp dụng Hiệp ước hạn chế các sản phẩm có xuất xứ từ nguồn gốc phá rừng kể từ năm 2020 cũng khiến lo ngại nguồn cung cà phê cho thị trường tiêu dùng sắp sửa bị hạn chế.
Những ngày tiếp sau đó, cho dù USDX hỗ trợ giá cả nhiều loại hàng hóa tăng trở lại, cùng với thông tin thị trường Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng trừ Covid, nhưng khi thông tin dữ liệu kinh tế của nhà tiêu thụ lớn nhất thế giới này yếu hơn đã ''dội một gáo nước lạnh'' vào thị trường tiêu dùng. Cùng với đó, chứng khoán Mỹ tiếp tục tiêu cực với việc nhà đầu tư cân nhắc lãi suất tiền tệ sắp tới và triển vọng suy thoái kinh tế đã khiến giá cà phê kỳ hạn đảo chiều giảm.
Vào cuối tuần, Bộ Lao động Mỹ báo cáo Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11 cao hơn dự kiến, tăng 0,3% so với tháng 10, trong khi thị trường dự đoán tăng 0,2%, đã dấy lên lo ngại Fed sẽ mạnh tay thắt chặt kinh tế, nâng mức lãi suất điều hành để ngăn chặn lạm phát. Điều này khiến USDX bật tăng trở lại, hàng hóa và chứng khoán lao dốc khi đầu cơ dịch chuyển dòng vốn đi tìm nơi trú ẩn an toàn do lo ngại rủi ro tăng cao. Thị trường cà phê kết thúc tuần trong đà giảm và những lo ngại trong ngắn hạn khi Fed có thể tăng lãi suất trong tuần tới.