Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá cà phê hôm nay 14/11: Robusta tăng gần 100 USD/tấn/tuần, liệu cà phê có quay về thời hoàng kim 50.000 đồng/kg?

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 14/11 trong khoảng 40.400 - 41.300 đồng/kg. Sàn New York tăng mạnh sau nhiều báo cáo dự báo sản lượng cà phê Brazil sẽ giảm mạnh trong vụ thu hoạch năm 2022. Sàn London sau khi vượt mức tâm lý 2.300 USD/tấn đã điều chỉnh giảm nhẹ.

Giá cà phê hôm nay 14/11: Robusta tăng gần 100 USD/tấn/tuần, liệu cà phê có quay về thời hoàng kim 50.000 đồng/kg? Ảnh: NNVN
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.400 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.300 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 41.200 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.300 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.200 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.300 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 41.200 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.200 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm đi ngang so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Tổng hợp tuần này, thị trường trong nước tăng 600 - 700 đồng/kg so với đầu tuần.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 giảm 15 USD/tấn ở mức 2.277 USD/tấn, giao tháng 3/2022 giảm 5 USD/tấn ở mức 2.222 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 tăng 8,8 cent/lb ở mức 219,7 cent/lb, giao tháng 3/2022 tăng 8,65 cent/lb ở mức 221,95 cent/lb. Hiện giá cà phê trên sàn New York đang cao nhất 7 năm qua.

Tổng kết tuần, giá cà phê Robusta giao tháng 1/2022 tăng 96 USD/tấn, giao tháng 3/2022 tăng 91 USD/tấn; giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 tăng 16,15 cent/lb, giao tháng 3/2022 tăng 15,55 cent/lb.

Sàn New York tăng mạnh sau nhiều báo cáo dự báo sản lượng cà phê Brazil sẽ giảm mạnh trong vụ thu hoạch năm 2022, cho dù vụ hoa mới nở được giới quan sát đánh giá là rất đẹp.

Sàn London sau khi vượt mức tâm lý 2.300 USD/tấn đã điều chỉnh giảm, để khẳng định nhu cầu hàng thực vẫn còn thiếu hụt trong ngắn hạn, kể cả khi các nước sản xuất Robusta chính ở Á – Phi đang tiến hành thu hoạch vụ mùa mới của niên vụ cà phê 2021/2022.

Sự thiếu hụt nhân công tăng cường thu hái ở vùng cà phê Tây nguyên đang được chính quyền các địa phương tháo gỡ. Tuy nhiên nhiều người trồng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại khi tiền lương đã bị đẩy lên quá cao.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ không giảm nhiều trong các tháng tới, do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng, trong khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2021 - 2022.

Dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục neo ở mức cao do nguồn cung chưa ổn định (thị trường lo ngại hạn hán xảy ra tại Nam Mỹ và lũ lụt tại Đông Nam Á), trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và giá cước phí vận chuyển cao.

Mặc dù vậy, Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho rằng để giá cà phê quay về thời hoàng kim 49.000 - 50.000 đồng/kg còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19, tốc độ phục hồi kinh tế thế giới và thời tiết của các nước trồng cà phê lớn trên thế giới.

Đáng chú ý, mới đây Bộ Công Thương đưa ra nhận định, nếu đẩy mạnh xuất khẩu tốt, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường xuất khẩu cà phê tiềm năng của Việt Nam từ nay đến cuối năm. Nhu cầu tiêu thụ cà phê của quốc gia này đã tăng lên đáng kể gần đây, đặc biệt các khu vực thành thị và những người trẻ tuổi.

Phân khúc cà phê hòa tan chiếm một lượng thị phần đáng kể trên thị trường nhờ vào sự tiện lợi trong sử dụng. Chi tiêu hộ gia đình tăng, lối sống thay đổi và sự chấp nhận các xu hướng văn hóa phương Tây của người tiêu dùng trung lưu đã góp phần làm tăng nhu cầu về cà phê hòa tan ở Trung Quốc. Theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), tiêu thụ cà phê của nước này tăng với tốc độ hàng năm là 15%.

Theo số liệu thống kê từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 46,28 triệu USD, tăng tới 69,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm (từ 12,34% trong 9 tháng đầu năm 2020 xuống 11,94% trong 9 tháng đầu năm 2021) chỉ là tạm thời do tình hình dịch bệnh Covid-19. Khi tình hình dịch đã được khống chế và sản xuất cà phê được tăng tốc trở lại, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Trung Quốc kỳ vọng sẽ tăng mạnh.