Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua vơi mức 30.800 đồng/kg. Tại huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 30.900 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 31.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 31.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, Gia Lai giá cà phê hôm nay đang ở mức 31.300 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 31.200 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê toàn miền hôm nay đang dao động trong khoảng từ 30.800 - 31.600 đồng/kg.
Hiện nay, cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn. Cụ thể, gồm có: 97 cơ sở chế biến cà phê nhân - với tổng công suất thiết kế 1,503 triệu tấn, tổng công suất thực tế đạt 83,6%; 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay - tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm; 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan - tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm, tổng công suất thực tế đạt 97,9%; 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn - tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm, tổng công suất thực tế đạt 81,6%. Cà phê bột của Trung Nguyên, cà phê hòa tan của Vinacafe, Trung Nguyên không những chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà còn được hoan nghênh ở nhiều thị trường trong khu vực, đồng thời đã bước đầu xây dựng được thương hiệu cà phê Việt.
Qua nghiên cứu cho thấy, các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới như Brazil, Indonesia, Colombia… đều chủ yếu xuất khẩu cà phê dưới dạng hạt (green bean), tức là chỉ dừng ở hoạt động sơ chế sau thu hoạch. Một số nước có hoạt động rang và xay nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng xuất khẩu cà phê. Riêng với Việt Nam, kể từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, hoạt động sơ chế sau thu hoạch đã được hết sức quan tâm. Do đó, từ chỗ có giá bán tại cảng thấp hơn tới 400 - 500 USD so với giá tham chiếu tại Sở Giao dịch hàng hóa London, Việt Nam đã dần thu hẹp được khoảng cách này và cho tới nay, giá bán cà phê Robusta của ta đã phù hợp với giá thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, nhờ ưu đãi về thuế quan đối với cà phê chế biến - từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm, chú trọng đầu tư vào các hoạt động chế biến sâu, nhằm góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nói riêng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nói chung.
Sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành trong công tác nâng cao năng lực chế biến, mở rộng thị trường, tổ chức lại xuất khẩu…, cùng sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp trong công tác quảng bá, marketing, định vị thương hiệu đã giúp các sản phẩm cà phê của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế.