Giá cà phê hôm nay 25/10: Robusta rộng đường tăng theo chu kỳ mười năm, cà phê Việt hưởng lợi

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 25/10 trong khoảng 40.000 - 40.900 đồng/kg. Giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều khi tỷ giá đồng Reais suy yếu trở lại. Trong khi đó, dự báo xuất khẩu cà phê Robusta tháng 10 của Việt Nam tiếp tục sụt giảm đã tác động tâm lý thị trường.

Giá cà phê hôm nay 25/10: Robusta rộng đường tăng theo chu kỳ mười năm, cà phê Việt hưởng lợi
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.000 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.800 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.700 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.800 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm đi ngang so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Tổng kết tuần, giá cà phê trong nước tăng 400 - 500 đồng/kg.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2021 tăng 18 USD/tấn ở mức 2.134 USD/tấn, giao tháng 1/2022 tăng 6 USD/tấn ở mức 2.141 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 3,45 cent/lb ở mức 199,85 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 3,55 cent/lb ở mức 202,6 cent/lb.

Tổng kết tuần qua, thị trường London có 1 phiên giảm đầu tuần và 4 phiên tăng liên tiếp cuối tuần. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng 24 USD, trong khi kỳ hạn giao tháng 1/2022 tăng 20 USD, kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 13 USD, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Trái lại, thị trường New York có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm đan xen. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm 3,55 cent, và kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm 3,65 cent, các mức giảm đáng kể.

Giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều khi tỷ giá đồng Reais suy yếu trở lại, xuống đứng ở mức thấp nhất 1,5 năm qua do sự bất ổn ngân sách của Chính phủ Brazil và tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng năng lượng cùng ngành bất động sản của đối tác kinh tế hàng đầu. Đồng Reais sụt giảm đã kích thích nông dân Brazil tăng cường bán các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu thế mạnh như cà phê, đường, đậu nành… Bên cạnh còn có sự hỗ trợ tích cực của các báo cáo thời tiết nhiều mưa, kết thúc giai đoạn khô hạn kéo dài, kích thích cây cà phê ra hoa vụ mới của chu kỳ “hai năm một” cho sản lượng cao trong năm 2022.

Trong khi đó, dự báo xuất khẩu cà phê Robusta tháng 10 của Việt Nam tiếp tục sụt giảm đã tác động tâm lý thị trường, và góp phần vào việc duy trì cấu trúc giá nghịch đảo trên sàn London suốt 3 tháng qua. Trong khi báo cáo tồn kho tiếp tục giảm thấp là mối lo của thị trường tiêu dùng, trong bối cảnh các nước sản xuất phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội kéo dài và những khó khăng trong lĩnh vực vận tải biển hiện hành…

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nhận định, chu kỳ 10 năm của ngành hàng cà phê đang quay trở lại. Dự báo giá cà phê sẽ đạt đỉnh vào cuối năm.

Nếu xét về giá ở thị trường London thì năm 2011 giá cao nhất là 2.600 USD/tấn, hiện nay giá cà phê chỉ mới đạt mức 2.100 USD/tấn, còn cách mức đỉnh năm 2011 là 500 USD, như vậy giá cà phê vẫn còn cửa để tăng. Đó là nói theo chu kỳ 10 năm nhưng trên thực tế giá cà phê còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện khác.

Nếu giá cà phê lập đỉnh vào cuối năm sẽ rất tốt cho người nông dân và ngành cà phê của Việt Nam, vì vào tháng 11 hàng năm là mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên.

Nhưng khi đã lập đỉnh rồi thì cà phê sẽ quay đầu giảm giá, dù vậy giá sẽ vẫn tốt đến vụ cà phê năm sau vì phải chờ đến tháng 7/2022 khi Brazil thu hoạch vụ cà phê mới, hoặc Indonesia thu hoạch vào tháng 4/2022, đến lúc đó giá cà phê mới biến động nhiều và trước mắt Việt Nam vẫn “một mình một chợ” nên giá vẫn tốt.

Thời gian qua cước vận tải tăng cao ở Việt Nam cộng với hạn hán, sương muối ở Brazil làm cho sản lượng cà phê Robusta của nước này liên tục giảm đã ảnh hưởng đến lượng cà phê xuất khẩu của các nước, gây lo ngại cho chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Tuy nhiên, do doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng bán giá FOB, khi nào nhà nhập khẩu đưa lệnh giao hàng mới giao nên không phải mất tiền cho khoản chi container.