Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá cà phê hôm nay 26/9: Giá cà phê tiếp tục tăng cho đến cuối năm

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 26/9 trong khoảng 47.300 - 47.900 đồng/kg. Bất chấp áp lực từ việc đồng USD tăng giá mạnh, nguồn cung thiếu hụt từ Brazil và tình trạng thiếu hàng Robusta tiếp tục đẩy giá cà phê lên cao.

Giá cà phê hôm nay 26/9: Giá cà phê tiếp tục tăng cho đến cuối năm
Giá cà phê hôm nay 26/9: Giá cà phê tiếp tục tăng cho đến cuối năm

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 47.300 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 47.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 47.800 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 47.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 47.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 47.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 47.700 đồng/kg.

Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 47.800 đồng/kg. Thị trường cà phê trong nước hôm nay đi ngang so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2022 giảm 6 USD/tấn ở mức 2.232 USD/tấn, giao tháng 1/2023 giảm 6 USD/tấn ở mức 2.219 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm 3,1 cent/lb, ở mức 220,45 cent/lb, giao tháng 3/2023 giảm 3,15 cent/lb, ở mức 214,1 cent/lb.

Tổng kết tuần trước, thị trường London có 2 phiên tăng và 2 phiên giảm đan xen. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng tất cả 30 USD (1,36%), các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.

Trong khi đó, thị trường New York cũng có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm đan xen. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng tất cả 5,35 cent (2,49%), các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch khá thấp dưới mức trung bình.

Nổi bật tuần qua là thông tin Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Mỹ nâng lãi suất cơ bản USD thêm 0,75% lên ở mức 3 - 3,25%/năm. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2008, trong khi đó Ủy ban Chính sách Tiền tệ (Copom) Brazil cũng nâng lãi suất cơ bản đồng Reais thêm 0,25% lên ở mức 13,75%/năm. Cùng với đó rất nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có động thái tương tự nhằm góp phần ngăn chặn lạm phát toàn cầu. Điều này đã gây áp lực lên hầu hết các thị trường trong đó có cà phê.

Một thông tin quan trọng cũng được công bố tuần trước. Công ty Cung ứng và Dự báo Nông sản (Conab) Brazil đã công bố báo cáo khảo sát vụ mùa cà phê lần thứ 3. Theo đó, họ đã giảm bớt 3,6 triệu bao so với khảo sát trước đó xuống ở mức 50,38 triệu bao trong niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 do thời tiết bất lợi. Trong đó, cà phê Arabica đạt 32,41 triệu bao, tăng 3,1% so với vụ trước và cà phê Conilon Robusta không đổi so với dự báo trước ở mức kỷ lục 18 triệu bao, tăng 10,2 % so với vụ trước. Theo Conab, lẽ ra năm nay cây cà phê Brazil được mùa theo chu kỳ “hai năm một”, nhưng thời tiết khô hạn và các đợt sương giá năm ngoái đã làm đảo ngược chu kỳ này

Trong khi đó, Tổng cục Hải quan Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 9, nước ta đã xuất khẩu 38.000 tấn cà phê, tương đương với kim ngạch 92,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê giai đoạn 1/9-15/9 đã giảm đến 25% về lượng và giảm 10% về giá trị. Tuy nhiên, luỹ kế từ đầu năm, xuất khẩu cà phê vẫn tăng 12% về lượng và tăng 38% về giá trị.

Hiện triển vọng thời tiết tại các nước sản xuất cà phê chủ chốt tại khu vực Mỹ Latinh là không mấy khả quan. Hiện tượng thời tiết La Niña dự kiến tiếp tục gây ra hạn hán ở Brazil thêm vài tháng. Trong khi đó, quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới là Colombia lại đang hứng chịu lượng mưa nhiều bất thường. Thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng đến sản lượng cà phê ở Guatemala, Honduras và Nicaragua.

Các chuyên gia nhận định, sản lượng và dự trữ cà phê sụt giảm tại Brazil sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm cà phê trên toàn cầu, và là một tín hiệu có thể đẩy giá cà phê trên thị trường thế giới lên cao hơn nữa trong thời gian tới. Năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp nhu cầu cà phê sẽ vượt cung trên thị trường toàn cầu. Một số thương hiệu cà phê lớn như Starbucks và Jacobs đã lên kế hoạch tăng giá sản phẩm để đối phó với tình trạng lợi nhuận sụt giảm.