Giá cà phê hôm nay 27/8: Vì sao tồn kho trên sàn London liên tục thấp?

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 27/8 trong khoảng 48.600 - 49.100 đồng/kg. Trong 2 phiên cuối tuần, giá cà phê thế giới lao dốc khi đồng USD phục hồi. Tuy nhiên lượng tồn kho thấp tiếp tục neo giá cà phê thế giới ở mức cao.

Giá cà phê hôm nay 27/8: Vì sao lượng tồn kho trên sàn London liên tục thấp?  
Giá cà phê hôm nay 27/8: Vì sao lượng tồn kho trên sàn London liên tục thấp?  

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 48.600 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 49.100 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 49.000 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 49.000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 48.900 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 49.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 48.900 đồng/kg.

Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 49.000 đồng/kg. Thị trường cà phê trong nước hôm nay tiếp tục giảm so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2022 giảm 34 USD/tấn ở mức 2.281 USD/tấn, giao tháng 11/2022 giảm 33 USD/tấn ở mức 2.279 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 giảm 1,4 cent/lb, ở mức 242 cent/lb, giao tháng 12/2022 giảm 1,4 cent/lb, ở mức 238,1 cent/lb.

Trong 2 phiên cuối tuần, giá cà phê thế giới lao dốc khi đồng USD phục hồi, và sàn London đã tăng rất mạnh trước đó. Đồng USD vẫn đang trong nhịp tăng giá giữa bối cảnh thị trường đặt cược về mức tăng lãi suất của FED ở phiên họp điều hành vào tháng 9 tới.

Trước khi giảm trong phiên vừa qua, thông tin thời tiết đã đẩy giá cà phê Arabica bùng nổ. Cả nhà sản xuất và giới đầu tư đều quan ngại thời tiết khô hanh kéo dài có thể ảnh hưởng xấu tới sản lượng cho mùa vụ năm sau của cà phê Brazil, nhất là khi mùa vụ sau lại rơi vào vụ mất trong chu kỳ 2 năm 1 của cà phê.

Một trong những nguyên nhân chính đang được nhận định giúp cà phê tăng mạnh thời gian qua, đó là lượng hàng tồn kho trên 2 sàn giảm.

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình phân tích trên Thesaigontimes, tin báo hàng cà phê đạt chuẩn Arabica lưu kho tại châu Âu được các nhà kinh doanh chuyển sang bán tại thị trường tự do ở Mỹ thời gian qua làm dậy sóng thị trường. Tại đây, thay vì các nhà kinh doanh châu Âu phải bán theo giá chuẩn của sàn với những ràng buộc giấy tờ và thủ tục nghiêm ngặt mà lại chủ yếu ở mức trừ rất rẻ, thì họ bán cho các nhà rang xay Mỹ - những người đang sẵn sàng mua với giá cao hơn cả hàng chục, thậm chí hàng trăm đô la mỗi tấn. Thị trường hấp dẫn ấy đã kéo tồn kho Arabica giảm không phanh.

Không như Arabica, lượng cà phê Robusta đạt chuẩn cũng giảm nhưng theo cách riêng. Nguồn cung ứng cà phê loại này từ Việt Nam đang ít dần. Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 7 năm nay, Việt Nam chỉ xuất khẩu gần 114.000 tấn, giảm 17% so với tháng 6 trước đó.

Cung ứng hạn chế có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Lượng cà phê còn tồn trong tay nhà vườn ít do Việt Nam đã đến cuối vụ nên hạn chế cà phê đưa vào kho London. Nhưng nguyên nhân này vẫn chưa thuyết phục bằng thực tế giá cà phê xuất khẩu hiện nay từ Việt Nam lên rất cao.

Nếu như đầu năm 2022, nhiều nhà xuất khẩu trong nước bán với giá trừ 450/400 USD/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB), thì hiện nay giá thực tế xuất khẩu cho loại 2, tối đa 5% đen bể đạt ngang bằng thậm chí cộng 20 USD/tấn cao hơn so với giá niêm yết.

Với mức này, không ai dám đưa hàng sang đấu giá trên sàn vì giá bán quy định là trừ 30 USD/tấn điều kiện người bán trả cước tàu và bảo hiểm (CIF). Khi giá xuất khẩu ở mức trừ vài ba trăm USD trở lên, phí tổn còn chịu được, nhưng nếu xuất bán cho sàn theo thực tế hiện nay, nhà kinh doanh phải lỗ đến 400 - 500 USD/tấn. Nhiều nhà kinh doanh quốc tế cho biết thà bán hàng tại chỗ còn hơn đưa qua sàn thêm lỗ. Do vậy tồn kho trên sàn London không thể tăng trong một sớm một chiều.