Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 32.500 đồng/kg.Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 33.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 32.900 đồng/kg.Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 32.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 32.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 32.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 32.800 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 32.700 đồng/kg.Tổng hợp tuần qua, giá cà phê tại Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk tăng 100 - 200 đồng/kg.Do đang trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh nên thị trường 2 sàn cà phê thế giới chưa trở lại giao dịch. Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2021 tăng 10 USD/tấn (0,74%), giao dịch ở mức 1.369 USD/tấn, giao tháng 3/2021 tăng 5 USD (0,36%) ở mức 1.383 USD/tấn. Tại sàn New York ở Mỹ, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2021 tăng 1,4 cent/lb (1,12%) ở mức 125,95 cent/lb, giao tháng 5/2021 tăng 1,4 cent/lb (1,11%) ở mức 127,85 cent/lb.Ở trong nước, các địa phương đã thu hoạch được khoảng 60 - 70% vụ mùa Robusta mới. Theo đánh giá, chất lượng hạt cà phê vụ mới được đánh giá khá cao khi diện tích vùng cà phê đặc sản ngày càng mở rộng và công nghệ sau thu hoạch được chú trọng nhiều hơn. Điều này một phần cũng nhờ kết quả các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được triển khai những năm gần đây ở các địa phương.Đơn cử, như ở huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai), cuối năm 2019 triển khai 6 dự án gồm: Liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C; chuỗi liên kết sản xuất cây bời lời (xã Hà Đông); sản xuất hồ tiêu sạch bền vững (xã Nam Yang); xây dựng vùng nguyên liệu cây bơ, sầu riêng (xã Trang); sản xuất rau củ quả an toàn (xã Tân Bình) và sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP (xã Kon Gang).Qua hơn 1 năm thực hiện, các dự án đã hoàn thành mục tiêu đề ra là từng bước hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững cũng như góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, tạo thu nhập ổn định khi đầu vào và đầu ra được đảm bảo.Một trong những dự án tạo được sự lan tỏa lớn trong nhân dân là liên kết sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C được triển khai trên địa bàn 7 xã: A Dơk, Ia Băng, Ia Pết, Hnol, Hà Bầu, Đak Krong và Đak Sơ Mei. Dự án có tổng kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng, quy mô 320 ha với sự tham gia của 260 hộ trồng cà phê trên địa bàn.Khi tham gia dự án, các hộ dân được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê bền vững theo quy trình 4C để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ một phần phân bón cũng như mua vật tư đầu vào với giá rẻ hơn thị trường. Đặc biệt, sản phẩm được doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu và hỗ trợ cộng thưởng thêm 150 đồng/kg cà phê nhân.Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê toàn cầu sẽ phục hồi trong thời gian tới. Nguyên nhân, do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố giữ nguyên lãi suất đồng USD cho đến năm 2023 và kỳ vọng gói tài trợ 2.300 tỷ USD của Chính phủ Mỹ sẽ sớm được giải ngân.Bên cạnh đó, về nguồn cung, sự chậm trễ trong thu hoạch cũng đã khiến giá cà phê tăng cao. Tại Ấn Độ, các đồn điền cà phê chủ yếu phụ thuộc vào lao động nhập cư từ Bắc Karnataka và các vùng khác như Bihar và Assam. Việc thiếu các chuyến tàu trực tiếp từ vùng Đông Bắc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các cuộc bầu cử cũng đã ảnh hưởng đến nguồn lao động. Sự thiếu hụt lao động trầm trọng đã khiến chi phí tiền lương tăng khoảng 10%. Bên cạnh đó, tình trạng mưa lớn kéo dài cũng làm gián đoạn quá trình thu hoạch cũng như chất lượng cà phê tại quốc gia này.