Giá cà phê hôm nay 3/11: Đầu cơ bán tháo cà phê trên sàn, Robusta còn nguyên mối lo nguồn cung chậm trễ |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.900 đồng/kg.Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 41.700 đồng/kg.Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.700 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.600 đồng/kg ở Đắk R'lấp.Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 41.600 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.600 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giảm 300 - 500 đồng/kg so với cùng thời điểm sáng hôm qua.Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 giảm 35 USD/tấn ở mức 2.234 USD/tấn, giao tháng 3/2022 giảm 16 USD/tấn ở mức 2.176 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 giảm 0,6 cent/lb ở mức 210,85 cent/lb, giao tháng 5/2022 giảm 0,5 cent/lb ở mức 211,35 cent/lb. Tuy nhiên hiện tượng "vắt giá" trên sàn London vẫn còn, thể hiện thiếu hàng cục bộ tại những tháng gần. Nguyên nhân do nguồn cung cà phê mới tại Tây Nguyên chậm trễ.Trong phiên vừa qua, thị trường cà phê chịu ảnh hưởng từ cuộc họp hàng tháng của Fed, tuy chưa có kết quả chính thức nhưng chỉ số DXY tăng cao cùng thị trường chứng khoán đã hút dòng vốn ra khỏi hàng hóa phái sinh. Do đó cà phê bị áp lực bán tháo khiến giá giảm.Thị trường còn nguyên mối lo sản lượng Brazil năm 2022 sụt giảm khoảng 10 triệu bao, còn mối lo nguồn cung Việt Nam tiếp tục sụt giảm vì dịch bệnh Covid-19 và mới nhất là báo cáo của Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) Colombia. Theo FNC dự kiến, sản lượng cà phê niên vụ 2021/22 có thể giảm từ 14 triệu bao xuống còn 13 - 13,5 triệu bao do mưa quá nhiều. Colombia là nhà sản xuất cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao hàng đầu thế giới. Cà phê Arabica có xuất xứ Colombia được giao nhận tại sàn New York với mức cộng rất cao.Với vụ cà phê mới ở Tây Nguyên, các địa phương đang xây dựng phương án cụ thể để hỗ trợ cho người dân thu hái cà phê trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhất là những vùng nguy cơ cao và nguy cơ rất cao.Theo ước tính của Sở NN-PTNT, niên vụ 2021-2022, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 120.000 ha cà phê và cần khoảng 13 triệu công lao động phục vụ thu hái. Tuy nhiên, lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 50%, nên khả năng sẽ khan hiếm nhiều nhân công, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.Còn tại Đắk Lắk có trên 209.000 ha, với sản lượng ước đạt trên 500.000 tấn. Những năm trước, lao động ở Đắk Lắk chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Để chuẩn bị tốt thu hái, sơ chế, bảo quản cà phê đúng kỹ thuật, giảm thất thoát, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời bảo đảm thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, Sở NN-PTNT các địa phương đã có văn bản hướng dẫn tổ chức thu hoạch trong điều kiện dịch bệnh.Trong đó, Sở NN-PTNT đề nghị Sở LĐTB-XH chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn huyện, thành phố rà soát, hỗ trợ, hướng dẫn các đối tượng chưa có việc làm tiếp cận thông tin, thành lập các tổ nhóm phục vụ thu hoạch cà phê tại các địa phương.Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn phối hợp với các địa phương huy động hội viên thành lập các tổ, nhóm hỗ trợ thu hoạch; tuyên truyền, hướng dẫn các hội viên trực tiếp sản xuất thực hiện tốt các giải pháp thu hoạch, sơ chế, bảo quản cà phê niên vụ 2021-2022.Các huyện, thành phố chủ động thành lập các tổ, đội, nhóm thu hoạch để thực hiện đổi công, thuê mướn, tránh việc lợi dụng tình hình khan hiếm lao động để đẩy giá nhân công lên cao. Bên cạnh đó, các địa phương cũng nghiên cứu, rà soát, ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng tham gia tổ, nhóm sản xuất, thu hoạch, sơ chế… theo quy định.