Giá cà phê hôm nay 5/8: Arabica tiếp tục tăng, trong nước cán mốc 37.000 đồng/kg

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 5/8 trong khoảng 36.100 - 37.000 đồng/kg. Giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm có xu hướng tăng nhẹ so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Giá cà phê hôm nay 5/8: Arabica tiếp tục tăng, trong nước cán mốc 37.000 đồng/kg
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 36.100 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 37.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 36.900 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 36.900 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 36.800 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 36.900 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 36.800 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 36.900 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm có xu hướng tăng nhẹ so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2021 giảm 2 USD/tấn ở mức 1.770 USD/tấn, giao tháng 11/2021 giữ nguyên ở mức 1.787 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 tăng 1,25 cent/lb ở mức 176,1 cent/lb, giao tháng 12/2021 tăng 1,3 cent/lb ở mức 179,15 cent/lb.

Trong phiên vừa qua, giá cà phê Arabica tiếp đà tăng do Brazil báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 7/2021 đạt 2,36 triệu bao cà phê hạt, giảm 14,83% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng đầu tiên xuất khẩu giảm của niên vụ cà phê mới (từ tháng 7/2021 - tháng 6/2022). Nguyên nhân sản lượng vụ mùa mới bị thất thu vì khô hạn ngay từ giai đoạn làm bông, và cây cà phê Arabica vào năm mất mùa theo chu kỳ “hai năm một”.

Hiện nay, thị trường New York vẫn ngóng chờ con số chính xác do ảnh hưởng của sương giá đến cà phê Brazil thời gian qua. Theo ước tính, thiệt hại nằm trong khoảng 2 - 8 triệu tấn. Con số thiệt hại càng cao thì giá Arabica càng có xu hướng tăng mạnh.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Robusta từ thị trường Đông Nam Á tiếp tục chậm lại do dịch bệnh Covid-19 chủng mới bùng phát, nhất là thông tin tình trạng ùn ứ hàng hóa khiến cảng xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam không còn chỗ đề giao nhận hàng.

Theo thống kê, cà phê Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 14% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Brazil. Để tháo gỡ vấn đề logistics, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) vừa gợi ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu vận chuyển hàng hóa theo đường sắt để giảm chi phí và gánh nặng vận tải.

Thời gian vận chuyển sang Mỹ, EU kéo dài tới 25 – 27 ngày song giá cả hợp lý và đặc trưng cà phê xuất khẩu dạng khô, chất lượng không bị ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển.

Trong những tháng cuối năm, xuất khẩu cà phê tiếp tục tập trung ở hai thị trường lớn là EU chiếm 40% sản lượng cà phê xuất khẩu và Mỹ chiếm 20% sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam.