Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá cà phê hôm nay 8/10: Arabica tăng mạnh, Robusta thận trọng khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 8/10 trong khoảng 39.300 - 40.200 đồng/kg. Giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng tăng, trong đó Arabica tháng 3/2022 qua mức 200 cent/lb.

 Giá cà phê hôm nay 8/10: Arabica tiếp tục tăng mạnh, Robusta thận trọng khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch 
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.300 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.100 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.100 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.000 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.100 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.000 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.000 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giữ ổn định so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2021 tăng 3 USD/tấn ở mức 2.119 USD/tấn, giao tháng 1/2022 giữ nguyên ở mức 2.116 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 tăng 4,55 cent/lb ở mức 197,9 cent/lb, giao tháng 3/2022 tăng 4,4 cent/lb ở mức 200,8 cent/lb.

Trong phiên vừa qua, giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng tăng, trong đó Arabica tháng 3/2022 qua mức 200 cent/lb. Tuy vậy giới thương nhân vẫn tỏ ra thận trọng với khối lượng giao dịch rất thấp, do các báo cáo thời tiết vành đai cà phê ở miền nam Brazil đã có mưa thuận lợi và Fedecafé – Colombia báo cáo xuất khẩu tháng 9 tăng tới 23% so với cùng kỳ năm trước, lên đạt 1,09 triệu bao.

Tại Việt Nam, Tây Nguyên là khu vực canh tác cà phê tập trung lớn nhất với diện tích khoảng 560.000ha. Mùa thu hoạch cà phê tại Tây Nguyên thường bắt đầu từ tháng 10 đến cuối tháng 12. Ngoài lực lượng lao động tại chỗ, mỗi năm, các tỉnh Tây Nguyên sử dụng hằng trăm nghìn lao động phổ thông từ các địa phương lân cận. Đơn cử như riêng Lâm Đồng sử dụng 20.000-30.000 lao động.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lực lượng lao động thu hoạch cà phê tại Lâm Đồng nói riêng và toàn khu vực Tây Nguyên nối chung đang bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết: Niên vụ cà phê 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lực lượng lao động thu hoạch cà phê tại địa phương đang bị thiếu hụt từ 40-50% so với nhu cầu.

Trong khi đó, thời điểm trước mùa thu hái gần 1 tháng là lúc nhiều gia đình tại Nông trường IaGrai (huyện Ia kha, Gia Lai) bắt đầu tìm kiếm nhân công từ các tỉnh như Bình Định, Phú Yên,... để chuẩn bị cho mùa thu hoạch sắp đến gần. Thế nhưng năm nay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, việc đi lại giữa các tỉnh thành khó khăn thì vấn đề nhân công thu hái cà phê không phải bài toán dễ giải quyết.

Gia đình chị Đặng Thị Lý (trú tại thôn 2, thị trấn Ia kha, huyện Ia Grai) cho biết: “Gia đình tôi có 5ha cà phê nếu như mọi năm vào thời điểm này gia đình tôi đã liên hệ với nhiều người ở các tỉnh lên kế hoạch để chuẩn bị cho vụ mùa thu hái cà phê, thế nhưng năm nay trước tình hình dịch bệnh như thế này, liệu rằng có nhân công để thu hoạch cho kịp vụ mùa”.

Nhằm giảm áp lực thiếu lao động, các địa phương khu vực Tây Nguyên đang triển khai nhiều giải pháp như: Thành lập các tổ, đội, nhóm xoay vần, đổi công trong thu hái cà phê; kêu gọi các tổ chức, đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các đơn vị lực lượng vũ trang tham gia giúp dân thu hái cà phê; tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm đưa lực lượng lao động ở những vùng không có hoặc ít cà phê tới những vùng chuyên canh cà phê quy mô lớn…