Tuy nhiên, nó lại được ví như tác nhân chủ yếu “nhốt” người dân chết ngạt trong đám cháy. Từ những cái chết thương tâm không lối thoát, dư luận mới bàng hoàng giật mình nhìn lại.
Rào cho chắc?Rạng sáng ngày 2/7, căn hộ 115 nhà A11 kinh doanh giày dép thuộc khu tập thể Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân) bất ngờ bùng cháy dữ dội. Đám cháy tuy chỉ nằm trong diện tích hơn 30m2 nhưng do nguyên liệu dễ cháy kèm khói độc nên ít nhiều ảnh hưởng đến an toàn tính mạng người dân. Sau ít phút tiếp cận hiện trường, lực lượng PCCC và cứu hộ cứu nạn khá vất vả để chữa cháy và cứu người do xe thang không thể di chuyển vào trong bởi hệ thống dây cáp chằng chịt. Trong khi, phía trước căn hộ lại gia cố chuồng cọp kiên cố nên các mũi tấn công chữa cháy trực diện hết sức khó khăn. Xác định tính chất phức tạp, các cán bộ, chiến sĩ cứu hộ tại hiện trường đã linh hoạt dùng kìm cắt “chuồng cọp” để đưa khoảng 20 người ra ngoài. Vụ cháy vì thế không có thiệt hại về người, nhanh chóng được khống chế sau một tiếng.
|
Các nhà N khu Trung Hòa - Nhân Chính bị bịt kín lối thoát hiểm an toàn bởi lồng sắt được gia cố chắc chắn. Ảnh: Vũ Cúc |
Không được may mắn như vụ hỏa hoạn trên, trung tuần tháng 7/2017, một vụ cháy lớn tại căn nhà 4 tầng ở phố Vọng (Hai Bà Trưng) đã cướp đi sinh mạng của 2 người. Thời điểm lửa bùng phát ở tầng một, trong nhà có 4 người nhưng chỉ có duy nhất 1 người kịp thoát ra ngoài theo lối cửa chính. Ba nạn nhân còn lại mắc kẹt ở tầng ba. Các tầng hai, ba, bốn của căn nhà đều bị bịt kín bởi các thanh sắt được hàn kiên cố. Khi cứu nạn, cảnh sát PCCC phải tiếp cận tầng ba bằng thang, dùng kìm thủy lực cắt các song sắt. Tuy nhiên, thời gian phá dỡ kéo dài, đám cháy lại phát triển quá nhanh nên chỉ giải cứu được một nạn nhân, hai người còn lại không thể thoát nạn vì ngạt khói.
Với tâm lý rào cho chắc, buộc cho chặt nhằm chống trộm cắp, đảm bảo an ninh, người dân đã vô tình đánh mất đi lối thoát nạn của gia đình nếu sự cố cháy nổ xảy ra. Đây là thực trạng hết sức lo ngại, mặc dù được lực lượng chức năng cảnh báo từ trước nhưng các hộ dân vẫn mang tâm lý phớt lờ.
Đại tá Trần Văn Vụ - Trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho hay, các vụ cháy lớn thiệt hại về người có chiều hướng gia tăng. Trong đó, nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra ở nhà dân xây dựng theo dạng nhà hình ống, tập thể cũ, nhà mặt phố kết hợp kinh doanh có gia cố bằng lưới cùng lồng sắt bảo vệ. Khi có sự cố, ngọn lửa dễ lan ra toàn bộ ngôi nhà theo chiều hút khói lên tầng mái. Cầu thang bộ duy nhất gần như không thể sử dụng thoát nạn, thoát hiểm vì khói độc đen đặc. Lối thoát khu vực ban công, mặt tiền nhà cũng trở nên khó khăn do người dân quây kín chuồng cọp, lồng sắt.
Linh hoạt thay đổi thiết kếBất chấp mối nguy hiểm hiện hữu, những “chuồng cọp” vẫn mọc lên tua tủa. Giới chuyên môn cho rằng, yêu cầu các chủ căn hộ cắt bỏ chuồng cọp trở về nguyên trạng thiết kế ban đầu chẳng khác nào “lấy muối bỏ biển”. Hàng nghìn lồng sắt gia cố chắc chắn từ nhà phố, tập thể cũ đến cả khu đô thị mới lấy đâu ra đủ nhân lực, vật lực đi kiểm tra, phá dỡ? Điểm then chốt là công tác PCCC tại mỗi gia đình phải được tự giác coi trọng và quan tâm đúng mức. Khi nhận thức được hiểm nguy cháy nổ rình rập, tự khắc mỗi gia chủ sẽ tìm lối thoát cho bài toán “chuồng cọp”.
Đại tá – PGS. TS Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học PCCC (Bộ Công an) nhận định, để hạn chế hậu quả của các vụ hỏa hoạn, cần đột phá tư duy cả về chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, về yếu tố khách quan như hạ tầng, ngõ ngách rất khó thay đổi. Từ thực tế đó, mặt chủ quan quan trọng hơn cả. Tức, tăng cường tuyên truyền về PCCC, cứu nạn ở các cộng đồng dân cư, để nếu lỡ xảy ra hỏa hoạn, nạn nhân, hàng xóm có thể thực hiện các biện pháp tại chỗ trước khi cứu hỏa chuyên nghiệp đến.
Chuyên gia này lấy dẫn chứng, các vụ cháy nhà phố, khu tập thể cũ người dân xây “chuồng cọp” quá chắc chắn khiến khi xảy ra hỏa hoạn chẳng khác nào tự nhốt mình trong nhà. “Chống trộm, đảm bảo an toàn là điều cần thiết. Tuy nhiên, xây “chuồng cọp” không nên hàn kín lại. Các chủ nhà thiết kế theo mô hình này cần nhanh chóng sửa chữa, thay đổi. Một chiếc cửa được lắp đặt ngay ở chuồng cọp hoàn toàn có thể trở thành lối thoát hiểm cho người bị nạn trong tình huống khẩn cấp. Để bảo vệ an ninh có thể khóa chuồng cọp lại. Chìa khóa để ở nơi dễ khóa, dễ lấy. Trong trường hợp không tìm được chìa khóa có thể dùng kìm cộng lực để có thể cắt chìa khóa này ra khi có sự cố” - Đại tá Xiêm nói.