Giá dầu Brent sắp đạt 80 USD/thùng do lo ngại Washington tái áp đặt lệnh trừng phạt với Tehran

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên 17/5, giá dầu thế giới giữ vững đà tăng với dầu Brent nhích gần tới 80 USD/thùng, mức giá cao kỷ lục kể từ tháng 11/2014, do tình trạng dư cung suy yếu trong khi nhu cầu vẫn tăng cao.

Cụ thể, giá dầu thô Brent kỳ hạn ở mức 79,32 USD/thùng, tăng 4 xu Mỹ so với đóng cửa phiên trước. Dầu WTI kỳ hạn ở mức 71,68 USD/thùng, nhích 19 xu Mỹ, tương đương 0,3% so với phiên trước đó.
Thị trường dầu tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi kế hoạch tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế của Washington đối với Tehran, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tuần trước.
Ngân hàng ANZ cho biết dầu Brent hiện nay đang đe dọa vượt ngưỡng 80 USD/thùng do căng thẳng địa chính trị tiếp tục hỗ trợ đà đi lên của giá năng lượng cùng với lượng tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ giảm tạo tâm lý lạc quan đối với giới đầu tư trong phiên.
Dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 1,4 triệu thùng trong tuần tính tới ngày 11/5, xuống còn 432,34 triệu thùng. Theo ngân hàng ANZ, tồn kho dầu mỏ của Mỹ sụt giảm gia tăng lo ngại về nguồn cung được thắt chặt hơn trước mùa du lịch của Mỹ, khi mà nhu cầu thường tăng.
Nhìn xa hơn vào sự thay đổi theo mùa, ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ đã nâng dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên mức 90 USD/thùng vào năm 2020 do nhu cầu tăng ổn định.
 Giá dầu Brent sắp đạt 80 USD/thùng nhờ nguồn cung được thắt chặt.
Tuy nhiên, không phải tất các chỉ số đều thể hiện nguồn cung dầu toàn cầu ngày càng hạn hẹp hơn. Ngày 16/5, báo cáo định kỳ hàng tháng từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2018 giảm xuống 1,4 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với dự báo 1,5 triệu thùng/ngày trước đó. IEA cho biết nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt trung bình 99,2 triệu thùng/ngày trong năm 2018.
Báo cáo này cũng dự báo tăng trưởng nhu cầu chậm hơn trong quý II do giá dầu tăng cao. IEA cũng cho biết dự trữ dầu thương mại ở các nền kinh tế công nghiệp đã sụt xuống 62,819 triệu thùng trong tháng 3/2018, mức thấp nhất trong 3 năm.
Mặc dù các nguồn cung cấp hiện nay đứng ở mức 98 triệu thùng/ngày nhờ việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga, IEA cho biết rằng tăng trưởng nguồn cung của khu vực ngoài OPEC mạnh mẽ đạt 1,87 triệu thùng/ngày trong năm 2018.
Bên cạnh đó là sự gia tăng sản lượng khai thác dầu tại Mỹ, nơi sản lượng dầu thô đã tăng 27% trong 2 năm qua, lên mức kỷ lục 10,72 triệu thùng/ngày. Điều này đưa Mỹ gần tới nhà sản xuất hàng đầu thế giới là Nga, nước sản xuất gần 11 triệu thùng/ngày.
Viện Xăng dầu Mỹ hôm 15/5 cho biết khu vực Bắc Mỹ ước tính “đóng góp” khoảng 4,9 triệu thùng vào kho dự trữ dầu của Mỹ, đưa lượng dầu dự trữ lên mức 435,6 triệu thùng. 
Theo các nhà phân tích, sự tăng vọt trong nguồn cung của Mỹ là yếu tố có thể hạn chế đà đi lên của giá dầu.
Ngoài ra, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P cho hay tổng sản lượng dầu, cả thực tế và ước tính, của các nhà sản xuất chủ chốt như ExxonMobil, Royal Dutch Shell , Chevron, BP và Total, đều sẽ tăng. 
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần