Giá dầu biến động ngược chiều trong phiên này giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở vùng Vịnh leo thang, và tình hình xung đột thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu hòa giải.
Cụ thể, giá dầu thô Brent tăng 38 xu Mỹ, tương đương 0,24%, lên mức 70,40 USD/thùng sau khi giảm 0,6% trong phiên trước đó.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI lại sụt 12 xu Mỹ, khoảng 0,2%, xuống còn 60,92 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này cũng hạ 1% trong ngày 13/5.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc khẳng định cánh cửa đối thoại với Mỹ vẫn rộng mở sau khi vòng đàm phán thương mại thứ 11 giữa các quan chức thương mại hai nước đã kết thúc hôm 10/5 mà không đạt được thỏa thuận.
Ngày 13/5, Bộ Tài chính Trung Quốc đã thông báo sẽ tăng thuế đổi với 60 tỷ USD hàng Mỹ từ ngày 1/6 bất chấp lời cảnh báo của Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, ngày 13/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng tiến trình đàm phán thương mại với Mỹ đã đạt được nhiều tiến triển rõ rệt, song hai bên vẫn cần giải quyết những vấn đề còn tồn tại và từ bỏ những cáo buộc nhằm vào nhau.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông lạc quan về việc giải quyết bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Trump cũng thông báo ông dự định gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 6 tới tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản. Tổng thống Mỹ dự đoán cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ “rất hữu ích”.
Giá “vàng đen” giảm hơn 1 USD ở đầu phiên giao dịch ngày 13/5, sau đó đảo chiều chốt phiên đi xuống theo đà lao dốc trên thị trườngPhố Wall do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, dẫn đến tâm lý né tránh đối với các tài sản rủi ro, bao gồm cả dầu mỏ.
Ngày 13/5, Bộ Tài chính Trung Quốc đã thông báo sẽ tăng thuế đổi với 60 tỷ USD hàng Mỹ từ ngày 1/6 bất chấp lời cảnh báo của Tổng thống Donald Trump.
Trong phiên giao dịch ngày 14/5, căng thẳng tại Trung Đông leo thang lại làm gia tăng mối lo ngại về nguy cơ thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid al-Falih ngày 13/5 cho biết 2 tàu chở dầu của quốc gia này đã bị "tấn công phá hoại" ở ngoài khơi TP cảng Fujairah của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Trước đó, ngày 12/5, Bộ Ngoại giao UAE thông báo có 4 tàu thương mại bị "tấn công phá hoại" ở vùng biển gần lãnh hải nước này tại Vịnh Oam, phía Đông cảng Fujairah, nơi được xem là có vị trí chiến lược, án ngữ các tuyến vận tải biển ở Vịnh Persic.
Khoảng 1/5 lượng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu được vận chuyển đường biển từ các nhà sản xuất Trung Đông đi qua eo biển Hormuz.
Bộ trưởng al-Falih kêu gọi các nước thực thi các biện pháp đảm bảo tự do hàng hải ở vùng Vịnh Persic.
Trong diễn biến liên quan, Mỹ đã tuyên bố trước đó về việc điều các cụm tàu sân bay tới vùng Vịnh để làm tín hiệu cảnh báo đối với Teheran.
Trong khi đó, ngày 14/5, các hãng thông tấn Iran, Syria dẫn thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Iran cho biết các lực lượng vũ trang nước này đã được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn diện./.