Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu Brent trượt nhẹ khi dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ tăng cao hơn dự báo

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch ngày 5/6 do tồn kho dầu của Mỹ cao hơn dự báo của giới phân tích.

Theo đó, giá dầu Brent giảm 11 xu Mỹ, xuống còn 61,86 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng sụt 41 xu Mỹ chỉ còn khoảng 53,07 USD/thùng.
Giá “vàng đen” chịu áp lực đi xuống trong phiên giao dịch này khi dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng bất ngờ vào tuần trước. Số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu tại Mỹ tăng 3,5 triệu thùng lên 478 triệu thùng, tăng cao hơn mức dự báo của các nhà phân tích sẽ giảm khoảng 849.000 thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến công bố báo cáo hàng tuần về dầu trong ngày hôm nay (5/6).
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 5/6.
Đà giảm của giá dầu trong phiên này được hạn chế phần nào nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán toàn cầu khi giới đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm hạ lãi suất. Tuy nhiên, ngân hàng ING nhận định đà leo dốc của thị trường cổ phiếu thế giới không hỗ trợ nhiều cho thị trường dầu mỏ trong phiên 5/6.
Bên cạnh đó, thị trường dầu thế giới chịu áp lực trong phiên này do các lo ngại về tăng trưởng toàn cầu chậm lại giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài và Washington đe dọa áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico.
Bên cạnh đó, ông Igor Sechin - người đứng đầu Tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga Rosneft, ngày 4/6 có hàm ý sẽ phản đối việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho đến cuối năm nay. Bình luận này cũng tác động không nhỏ tới thị trường phiên này. 
Sản lượng dầu trung bình của Nga từ ngày 1 - 3/6 giữ ở mức 10,87 triệu thùng/ngày, giảm so với 11,11 triệu thùng/ngày ghi nhận trong tháng 5, theo hai nguồn tin quen thuộc với ngành năng lượng Nga.
Giá dầu giao kỳ hạn hiện đang được giao dịch ở mức thấp hơn khoảng 20% so với các mức “đỉnh” trong năm 2019 đạt được hồi cuối tháng 4. Giá “vàng đen” trong tháng 5/2019 đã chứng kiến tháng lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 11/2018. 
Giá dầu đã giảm trong vài tuần qua do lo ngại ngày càng tăng về nền kinh tế toàn cầu cùng với căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm tổn hại nhu cầu năng lượng.
Cùng với việc theo dõi thị trường chứng khoán và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhà đầu tư cũng cân nhắc kỳ vọng về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC cùng với các đồng minh, dẫn đầu là Nga, trước khi thỏa thuận này hết hạn vào cuối tháng này. Cuộc họp tiếp theo của OPEC, dự kiến diễn ra từ ngày 25 - 26/6, có thể bị hoãn lại đến đầu tháng 7 theo yêu cầu của Nga, một số thông tin cho hay.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih đã mô tả sự biến động của giá dầu gần đây là “bất thường” và dự báo OPEC sẽ giúp ổn định giá dầu sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng hết hạn vào đầu tháng 7 tới. “Trước đây chúng tôi đã tuyên bố cam kết thực hiện bất cứ điều gì cần thiết để ổn định thị trường và chúng tôi đã hành động theo những lời hứa đó. Và tôi đang thực hiện cam kết đó một lần nữa”, Bộ trưởng Al-Falih khẳng định./.