Thị trường năng lượng giao dịch khởi sắc ở hầu hết các phiên giao dịch trong tuần khi các nhà đầu tư “loay hoay” giữa những thông tin trái chiều về đàm phán thương mại Mỹ-Trung và triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Trong phiên giao dịch ngày 4/11, giá dầu thế giới phục hồi nhờ triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu được cải thiện trong bối cảnh thị trường việc làm Mỹ tăng trưởng tốt hơn dự báo và Mỹ - Trung có khả năng ký kết một thỏa thuận thương mại trong tháng này.
Giá của cả hai loại dầu đều đạt mức cao nhất trong hơn 1 tháng. Giới đầu tư hưng phấn về tiến bộ trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung và việc cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch đầu tuần.
Giá “vàng đen” tiếp tục leo dốc hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 5/11 nhờ hy vọng về một thỏa thuận thương mại sắp được ký giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như khả năng Mỹ sẽ rút lại một phần thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Sang phiên 6/11, giá dầu thế giới giảm khá mạnh sau khi thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng vượt dự báo. Ngoài ra, thông tin nói rằng việc ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có thể bị hoãn cũng gây sức ép giảm lên giá dầu mỏ. Phiên giảm này chấm dứt chuỗi ba phiên tăng liên tục trước đó của giá "vàng đen".
Giá dầu thế giới quay đầu tăng khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 7/11, sau khi Trung Quốc phát tín hiệu tích cực về đàm phán thương mại với Mỹ. Tin tốt về thương mại giúp xoa dịu mối lo của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh và Washington đã nhất trí dỡ dần thuế quan trừng phạt đã áp lên hàng hóa của nhau, nhưng không đưa ra một lộ trình cụ thể.
Diễn biến thương chiến Mỹ - Trung là một trong những nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến diễn biến giá dầu thế giới trong năm nay, đặc biệt là những tháng gần đây. Xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc, gây suy giảm triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu, dẫn tới lo ngại về tình trạng dư thừa dầu.
Đến phiên giao dịch ngày 8/11, giá dầu thế giới tiếp tục đi lên và ghi nhận tuần tăng giá, trong bối cảnh nhà đầu tư "loay hoay" giữa những thông tin trái chiều về đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Giá dầu đã sụt giảm vào đầu phiên, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông chưa nhất trí rút lại thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, giá dầu đã quay đầu tăng sau đó sau khi xuất hiện số liệu cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ giảm xuống.
Theo báo cáo hàng tuần của công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, số giàn khoan hoạt động giảm 7 giàn trong tuần này, còn 684 giàn. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ giảm xuống, và so với cùng kỳ năm ngoái, số giàn khoan hoạt động đã giảm 202 giàn.
Nhờ đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,09 USD/thùng, tương đương tăng 0,2%, đạt 57,24 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu WTI tăng 1,9%.
Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tháng 1/2020 tăng 0,22 USD/thùng, tương đương tăng 0,4%, đạt 62,51 USD/thùng. Tính chung trong tuần, giá dầu Brent tăng 1,3%.
“Sự sụt giảm của số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cũng mang đến một số hỗ trợ cho dầu trong ngày 8/11” - Tariq Zahir, thành viên quản lý tại Tyche Capital Advisors, cho hay.
Việc giá dầu tăng tuần này phản ánh sự hỗ trợ của các yếu tố gồm hy vọng về một thỏa thuận Mỹ - Trung, động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) và loạt số liệu tốt hơn dự báo của kinh tế Mỹ. Xu hướng lập kỷ lục liên tiếp của thị trường chứng khoán Mỹ cũng giúp nâng đỡ những tài sản rủi ro như dầu thô.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn giữ quan điểm thận trọng về triển vọng tăng giá của dầu trong 2020.
Nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc công ty môi giới Oanda nhận định: "Giá dầu có vẻ sẽ tiếp tục mắc kẹt trong một vùng hẹp cho tới khi Mỹ - Trung thực sự đạt thỏa thuận thương mại, và ngã ngũ cuộc họp ngày 5-6/12 của nhóm Các nước xuất khấu dầu mỏ và các đồng minh”.
Ngoài ra, giá dầu còn đang chịu áp lực giảm từ những dấu hiệu cho thấy nguồn cung tăng nhanh hơn nhu cầu. Báo cáo tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) công bố hôm 6/11 cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng tuần thứ hai liên tiếp, với mức tăng 7,9 triệu thùng, vượt xa dự báo.
Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) Mohammad Barkindo hôm 5/11 nói rằng triển vọng thị trường dầu lửa thế giới năm 2020 có thể sáng hơn dự báo. Nhận định của ông Barkido được cho là nói giảm đi về sự cần thiết phải cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu.
"Dựa trên các số liệu sơ bộ, có vẻ như năm 2020 sẽ khả quan hơn về nhu cầu tiêu thụ dầu", ông Barkindo phát biểu tại một cuộc họp báo.
OPEC cũng dự báo nguồn cung dầu của khối này sẽ giảm dần trong 5 năm tới, khi sản lượng dầu của Mỹ và một số khu vực khác tăng lên.
Báo cáo Triển vọng Dầu lửa 2019 của OPEC dự báo sản lượng dầu thô và các sản phẩm lỏng khác của khối này sẽ giảm còn 32,8 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
OPEC và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, đã thực thi một kế hoạch hạn chế sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày từ đầu năm đến nay. Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iran, ông Bijan Zanganeh, nói rằng ông kỳ vọng OPEC+ sẽ nhất trí giảm thêm sản lượng khi nhóm họp vào tháng 12.
Theo dự kiến, cuộc họp của Nhóm OPEC+ sẽ quyết định có cắt giảm thêm sản lượng. Hiện nhóm này đang thực thi thỏa thuận giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu./.