Bên cạnh đó, thị trường dầu thế giới khởi sắc trong phiên giao dịch cũng do thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm mạnh.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 63,4 USD/thùng, tăng 44 xu Mỹ, khoảng 0,7% so với đóng cửa phiên trước. Trong đầu phiên giao dịch giá đã lên 63,53 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 12/2014.
Dầu thô Brent kỳ hạn ở mức 69,15 USD/thùng, tăng 33 xu Mỹ hay 0,5% so với chốt phiên trước đó. Giá mặt hàng dầu này đã chạm ngưỡng 69,29 USD/thùng trong cuối phiên giao dịch trước, mức cao nhất kể từ tháng 5/2015.
William O'Loughlin - nhà phân tích đầu tư tại Công ty Chứng khoán Rivkin cho biết: “Việc các nước OPEC cùng với Nga tiếp tục kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm cắt giảm nguồn cung toàn cầu đà giúp đẩy giá dầu tăng mạnh”.
Trong một nỗ lực hỗ trợ giá, hồi cuối tháng 11/2017, OPEC cùng các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga đã đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết năm 2018. Việc cắt giảm này nhằm giảm dư cung dầu mỏ toàn cầu khiến giá dầu lao dốc từ năm 2014.
Ngoài ra, số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ giảm nhẹ cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu ngọt nhẹ WTI trong phiên này. Theo số liệu của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ giảm 5 giàn xuống còn 742 giàn trong tuần kết thúc vào ngày 5/1, vẫn cao hơn đáng kể mức thấp 316 giàn khoan ghi nhận trong tháng 6/2016.
Các nhà giao dịch cho giá năng lượng đang bị đẩy lên chủ yếu do dòng vốn đầu cơ chảy vào các hợp đồng dầu giao sau. Giới đầu cơ tin rằng thị trường dầu mỏ thời gian tới sẽ bị thắt chặt nguồn cung sau một năm OPEC và Nga phối hợp cắt giảm sản lượng.
Từ đầu tháng 12 đến nay, giá dầu thô đã tăng hơn 10%. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định giá dầu có thể sớm quay đầu giảm giá trở lại vì một số lý do.
Thứ nhất, số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ hiện lớn hơn nhiều so với mức đáy 316 giàn thiết lập vào tháng 6/2016. Sản lượng khai thác dầu của Mỹ được dự đoán sẽ sớm phá ngưỡng 10 triệu thùng/ngày, chạm mức từ trước đến nay chỉ Nga và Ả Rập Saudi đạt được.
"Sản lượng dầu thô của Mỹ vẫn đang tăng. Chắc chắn đây là bằng chứng cho thấy hệ thống khai thác dầu của Mỹ đang trở nên hiệu quả hơn", nhà môi giới năng lượng Matt Stanley của Freight Investor Services (FIS) ở Dubai phát biểu.
Thứ hai, tại châu Á - khu vực tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - có những dấu hiệu cho thấy lượng dầu tồn kho vẫn còn lớn bất chấp sản lượng của OPEC và Nga bị cắt giảm.
Đạt tỷ suất lợi nhuận tốt trong năm 2017, các nhà máy lọc hóa dầu ở khu vực châu Á đã đẩy mạnh công suất hoạt động lên mức 23 triệu thùng/ngày vào tháng 10 năm ngoái.
Hiện nay, tỷ suất lợi nhuận giảm xuống do giá dầu thô đầu vào tăng và nguồn cung dồi dào các sản phẩm lọc hóa, các nhà máy lọc dầu ở châu Á bắt đầu giảm sản lượng. Điều này có thể dẫn tới lượng dầu đặt hàng giảm trong thời gian tới, gây sức ép giảm giá cho dầu thô.