Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu gần chạm đỉnh từ năm 2015 nhờ thắt chặt nguồn cung

Phương Dung (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu trong phiên giao dịch ngày 3/11 tăng gần đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm qua do các nhà giao dịch kỳ vọng Nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu sau thời điểm tháng 3/2018.

Dữ liệu gần đây cho thấy dự trữ dầu thô toàn cầu giảm mạnh nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC giúp giá dầu khởi sắc trong phiên giao dịch lên mức đóng cửa cao nhất kể từ năm 2015.
Giá dầu trong phiên giao dịch ngày 3/11 tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm qua. 
Cụ thể, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12 tiến 38 xu Mỹ, lên 54.92 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 7/2015, theo dữ liệu của FactSet. Giá loại dầu này đã tăng 31% so với mức thấp hồi tháng 6 vừa qua.
Hợp đồng dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1 trên sàn Luân Đôn tăng 45 xu Mỹ, đạt mức 61,07 USD/thùng, gần đạt mức cao nhất lên 61,70 USD đạt được từ tháng 7/2015.
Giữa lúc nguồn cung bị thắt chặt, nhu cầu về dầu mỏ lại tăng lên, đặc biệt là ở Trung Quốc, quốc gia đã “soán ngôi” Mỹ và trở thành nước nhập khẩu nhiều dầu thô nhất thế giới với lượng nhập khẩu trung bình 9 triệu thùng/ngày. Bên cạnh đó, các kho dự trữ dầu đang dần vơi đi do nguồn cung thiếu hụt trong những quý gần đây. 
Robbie Fraser, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Schneider Electric, nhận định: “Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 1/11 đã đưa ra một bức tranh dự trữ đầy lạc quan, khi dự trữ dầu thô giảm mạnh”.
EIA cho biết nguồn cung dầu thô tại Mỹ giảm 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 27/10.
Trong phiên này, giá "vàng đen" được hỗ trợ phục hồi mạnh do thị trường tăng kỳ vọng các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC sẽ thống nhất gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018 khi nhóm họp tại Vienna vào ngày 30/11 tới.
Ngày 2/11, Nga cho biết Moscow ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung sau thời điểm tháng 3/2018 nếu thấy cần thiết để cân bằng thị trường dầu thế giới.
Theo các nhà phân tích, nếu OPEC cùng các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác không gia hạn thỏa thuận này, thị trường dầu có thể lại tái diễn tình trạng dư thừa nguồn cung vốn đã kéo dài từ năm 2014-2016 do sản lượng của Mỹ ngày càng tăng.
Hary Tchilinguirian tại ngân hàng Pháp BNP Paribas lưu ý: "Số liệu dầu tồn kho toàn cầu giảm trong năm 2017 không đủ để đảo ngược sự gia tăng mạnh trong 3 năm qua. Hơn nữa các điểm cân bằng của chúng tôi chỉ ra sự khôi phục gia tăng toàn cầu trong năm 2018”.
“Chúng tôi không thấy có sự lựa chọn khác đối với OPEC và Nga sẽ hiệu quả hơn việc nhất trí gia hạn cắt giảm nguồn cung đến hết năm 2018”, ông Tchilinguirian nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tác động từ đà sụt giảm của nguồn cung xăng dầu đã bị xóa bớt bởi đà leo dốc của sản lượng dầu tại Mỹ với việc thêm gần 50,000 thùng/ngày trong tuần trước.
Chuyên gia Harry Tchilinguirian cho biết sản lượng dầu của Mỹ đã tăng 13% kể từ giữa năm 2016 lên mức 9,6 triệu thùng/ngày. Điều này đang dẫn đến việc hoạt động xuất khẩu dầu ngày càng gia tăng. 
Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố trong tuần này, lượng dầu xuất khẩu của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 2,1 triệu thùng/ngày. 
Theo chuyên gia Tchilinguirian, việc Mỹ gia tăng lượng dầu xuất khẩu sang thị trường khu vực Đại Tây Dương và thị trường chính của OPEC ở châu Á, có thể là trở ngại cho giá dầu Brent giữ trên ngưỡng 60 USD/thùng trong năm 2018.