Trong phiên giao dịch này, thị trường dầu mỏ duy trì đà tăng trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu có nguy cơ bị thiếu hụt do tình hình chiến sự leo thang tại Libya và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela .
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 21 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 71,93 USD/thùng. Giá dầu Brent có thời điểm đã đạt mức cao nhất trong 5 tháng lên tới 71,96 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 8/11/2018.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI được giao dịch ở mức 64,45 USD/thùng, tăng 40 xu Mỹ, tương đương 0,62% so với phiên trước đó.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI đã tăng hơn 40% và dầu Brent tăng hơn 30% kể từ đầu năm đến nay, nhờ vào thỏa thuận cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh từ tháng 1.
Theo kế hoạch, các nước trong và ngoài OPEC sẽ tổ chức cuộc họp vào tháng 6 tới để xem xét đưa ra quyết định có nên tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản xuất nữa hay không mặc dù có lo ngại về việc từ bỏ cam kết của Nga.
Trước đó, phía Nga đã phát tín hiệu rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng do OPEC dẫn đầu có thể không được kéo dài sau thời điểm tháng 6 tới. “Nga và các nước OPEC có thể quyết định tăng sản lượng để cạnh tranh thị phần với dầu thô Mỹ, hãng thông tấn TASS trích phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết.
Bên cạnh đó, sự sụt giảm bất ngờ lượng tồn kho dầu thô của Mỹ cũng hỗ trợ giúp giá dầu tiếp tục khởi sắc.
Theo số liệu từ Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) công bố hôm 16/4, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 3,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 12/4 xuống còn 452,7 triệu thùng.
Trong một thông báo gửi khách hàng, ngân hàng ANZ lưu ý: “Giá dầu thô thô tiếp tục tăng vì các nhà đầu tư đã hướng sự quan tâm đến một loạt thông tin từ ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ”.
Dữ liệu chính thức về sản xuất dầu mỏ của Mỹ sẽ được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào ngày 17/4.