Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, qua đó góp phần nâng tổng mức sụt giảm tính chung cả tuần lên gần 5%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11 giảm 1,50 USD, tương đương 3%, xuống còn 49,29 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất từ giữa tháng 9/2017. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 12 trên sàn London mất 1,38USD, khoảng 2,4%, chỉ còn 55,62 USD/thùng, chứng kiến mức giảm 2,1% trong tuần qua.
Richard Mallinson - Chuyên gia phân tích tại Energy Aspects nhận định: “Cũng giống cơn bão Harvey trong tháng 8, thị trường dầu diễn biến theo xu hướng tập trung nhiều hơn vào việc tạm ngừng hoạt động của các nhà máy lọc dầu, vốn có thể tác động tích cực đến giá các sản phẩm xăng dầu nhưng lại khiến giá dầu giảm nhẹ”.
Thị trường đang chú ý tới tác động của cơn bão nhiệt đới Nate và đánh giá mức độ gián đoạn đối với sản lượng dầu thô và khả năng lọc dầu, theo chuyên gian Richard Mallinson.
Sau 3 phiên giảm liên tiếp, giá "vàng đen" phục hồi gần 2% trong ngày 5/10 do dấu hiệu cho thấy Ả Rập Saudi và Nga sẽ tiếp tục hạn chế sản lượng khai thác vào năm 2018. Điều này sẽ tác động tích cực đến nỗ lực cân bằng thị trường dầu thế giới của Nhóm Các nước Xuất khẩu dầu (OPEC), giúp đẩy giá dầu thô Mỹ lên trên 50 USD/thùng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC và một số quốc gia khác trong đó có Nga có thể kéo dài đến cuối năm 2018, thay vì chỉ dừng lại vào tháng 3/2018.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 5/10 nói rằng, Moscow sẽ ủng hộ quốc gia nào tham gia mới vào thỏa thuận cắt giảm này. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Quốc vương Ả Rập Saudi, ông Salman đang có chuyến thăm Nga.
Adrienne Murphy - Giám đốc phân tích thị trường tại AvaTrade, nhận định: “Với việc cắt giảm 1,8 triệu thùng/ngày, OPEC đã có những bước tiến trong cuộc chiến giá cả, góp phần vào đà tăng vững mạnh của giá dầu. Tuy nhiên, trong tháng 9, sản lượng của Tổ chức này đã nhảy vọt, qua đó giúp nhà đầu tư chốt lời sau 3 tháng tăng giá liên tiếp của dầu Brent”.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại về sản lượng dầu tại Mỹ, vốn đã vọt lên mức cao nhất trong hơn 2 năm hồi tuần trước. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 4/10 cho biết sản lượng dầu nội địa vọt lên 9,56 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 29/9, mức cao nhất kể từ tháng 7/2015. Kim ngạch xuất khẩu dầu tại Mỹ tăng lên gần 2 triệu thùng/ngày. Số liệu này làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng do OPEC khởi xướng.
Một số yếu tố khác cũng sẽ tạo áp lực đối với giá dầu thô là lượng dầu thô Mỹ xuất khẩu nhảy vọt lên mức 1,98 triệu thùng/ngày vào tuần trước, vượt ngưỡng kỷ lục 1,5 triệu thùng tuần trước đó. Nguyên nhân là do mức chênh lệch giữa dầu WTI và dầu Brent lớn khiến giá dầu ngọt nhẹ WTI trở nên hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, một số diễn biến địa chính trị trong những ngày tới có thể khiến thị trường dầu thay đổi, theo các chuyên gia phân tích tại công ty JBC Energy. Giới đầu tư cũng đang theo dõi sát sao các tác động tiêu cực đến cuộc trưng cầu độc lập tại khu vực người Kurd thuộc Iraq, vốn có thể khiến sản lượng dầu thô thiếu hụt khoảng 500,000 thùng/ngày.
Bên cạnh đó, thị trường cũng chờ đợi trong tuần tới liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thông báo “rút khỏi" thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức), được biết đến là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA). Iran là một thành viên OPEC và nước sản xuất dầu lớn ở Trung Đông.