Giá dầu quay đầu giảm trong phiên này sau khi chạm mức cao nhất trong 3 tháng vào tuần trước khi các nhà giao dịch tìm kiếm sự rõ ràng đối với tác động từ việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ, dự kiến sẽ thúc đẩy dòng chảy giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 10 xu Mỹ, tương đương 0,2% xuống 65,12 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ hạ 10 xu Mỹ, tương đương 0,2% xuống 59,97 USD/thùng.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc hôm 13/12 công bố đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một sau cuộc thương chiến kéo dài 18 tháng.
Theo thỏa thuận này, Mỹ sẽ giảm một số mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đổi lại Bắc Kinh sẽ tăng sản lượng thu mua nông sản và năng lượng của Mỹ lên 200 tỷ USD trong 2 năm tới. Phía Trung Quốc cũng cam kết tăng cường bảo vệ sở hữu trí thuệ, mở cửa thị trường tài chính cho các doanh nghiệp Mỹ.
Đổi lại, phía Mỹ sẽ hủy bỏ mức thuế lên 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, vốn dự kiến được áp dụng từ ngày 15/12. Ngoài ra, Mỹ cũng đồng ý giảm mức thuế từ 15% xuống còn 7,5% với 120 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Mức thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc hiện vẫn được giữ nguyên.
“Có vẻ như thị trường năng lượng hiện đã định giá đầy đủ qua việc đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, vì vậy chúng tôi sẽ cần thêm tin tức nếu chúng tôi sẽ vượt qua ngưỡng kháng cự (kỹ thuật) quan trọng trong thời gian tới” - ông Michael McCarthy, giám đốc chiến lược gia thị trường tại công ty CMC, nhận xét.
Trong phiên giao dịch này, các nhà đầu tư tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, khi các chi tiết của thỏa thuận hiện chưa được ký chính thức.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer hôm 15/12 cho biết vào rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc đạt được hôm 13/12 chắc chắn sẽ được ký kết.
Theo ông Lighthizer, Trung Quốc sẽ tăng gần gấp đôi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ trong 2 năm tới theo như thỏa thuận mới mà hai bên dự định sẽ ký kết trong tháng 1 năm sau.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu trong ngày 16/12 cũng được hạn chế nhờ số liệu tích cực của kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc ngày 16/12 đã công bố một loạt số liệu kinh tế tích cực trong tháng 11, sau khi nước này đạt thoả thuận thương mại sơ bộ với Mỹ hôm 13/12 vừa qua. Theo các số liệu, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 11 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018, sau khi tăng 4,7% trong tháng 10, và đây là mức tăng cao nhất trong 6 tháng qua.
Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 11/2019 tăng 8%, sau khi ghi nhận mức tăng 7,2% trong tháng 10/2019.
Dẫu vậy, các nhà đầu tư vẫn giữ sự hoài nghi khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm tốc ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. Các nguồn tin cho biết Trung Quốc có kế hoạch hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% trong năm nay xuống khoảng 6% trong năm 2020.
Giá dầu Brent đã tăng mạnh trong năm nay chủ yếu nhờ được hỗ trợ từ nỗ lực cắt giảm nguồn cung của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, bao gồm Nga. Liên minh này còn được gọi là OPEC+ đã đồng ý giảm thêm 500.000 thùng/ngày kể từ ngày 1/1/2020 đế hỗ trợ giá dầu đi lên./.