Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/8, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 16 xu Mỹ xuống 67,04 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 mất 15 xu Mỹ, còn 72,46 USD/thùng.
Giá hai loại dầu chủ chốt này đều giảm sau số liệu từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô Mỹ đã bất ngờ tăng thêm 3,7 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược so với dự báo giảm 2,5 triệu thùng mà các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó.
Ở đầu phiên, giá dầu tăng nhẹ do được hỗ trợ từ đà tăng trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đà tăng giá thu hẹp vào giữa phiên do chỉ số đồng USD chạm mức cao nhất trong hơn 1 năm so với các đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ thế giới.
Đồng USD mạnh lên thường khiến dầu, vốn được giao dịch bằng đồng bạc xanh, trở nên đắt đỏ hơn cho những khách hàng nắm giữ đồng tiền khác.
Mặc dù vậy, những lo ngại về nguồn cung dầu từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới bị siết chặt đã hạn chế bớt đà đi xuống của giá "vàng đen" trong phiên này.
Trước đó, hôm 13/8, Tổ chức Các Nước Xuất khẩu dầu (OPEC) ngày 13/8 cho biết Ả Rập Saudi đã cắt giảm sản lượng. Hoạt động xuất khẩu từ Iran cũng được dự đoán là sụt giảm do Washington áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran .
Trong khi đó, một số chuyên gia phân tích nói rằng bất đồng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, tình trạng bất ổn trên các thị trường mới nổi có thể hạn chế nhu cầu đối với dầu mỏ.
Nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu giảm tốc khi hoạt động đầu tư trong thời gian từ tháng 1-7/2018 chậm lại và doanh số bán lẻ giảm.
Bên cạnh đó, OPEC dự đoán nguồn cung từ các nước ngoài khối này sẽ tăng 2,13 triệu thùng/ngày trong năm 2019, cao hơn 30.000 thùng so với mức dự đoán tháng trước, chủ yếu do sản lượng của Mỹ tăng cao.