Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu giảm ngày thứ 3 liên tiếp do sức ép từ lượng tồn kho của Mỹ

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/1, giá dầu đi xuống sau 2 phiên giảm liên tục từ đầu tuần, khi dữ liệu cho thấy các kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng nhiều hơn mức dự báo.

Trong khi đó, đà bán tháo các loại hàng hóa khác, chứng khoán và trái phiếu càng khiến các nhà đầu tư gia tăng tâm lý lo ngại.
Giá dầu thế giới giảm ngày thứ 3 liên tiếp do lượng tồn kho của Mỹ tăng cao.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 22 xu Mỹ, tương đương 0,3%, ở mức 68,80 USD/thùng sau khi giảm xuống mức thấp nhất gần 2 tuần trong phiên giao dịch trước đó. Dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch với 64,19 USD/thùng, mất 31 xu Mỹ, khoảng 0,5%, sau khi chạm đáy hơn một tuần hôm 30/1.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 30/1, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ đã giảm 1,6%, xuống 64,50 USD/thùng, còn dầu Brent cũng mất 0,6%. Tuy nhiên, 2 hợp đồng dầu chính này vẫn đang hướng đến tháng tăng giá thứ 5.
Bộ Năng lượng Mỹ dự kiến công bố số liệu chính thức về lượng dầu dự trữ vào cuối ngày 31/1, trong đó dự báo lượng dầu tại các kho dự trữ sẽ tăng lần đầu tiên trong 11 tuần.
Trước đó, ngày 30/1, Viện Xăng dầu Mỹ công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của nước này đã tăng khoảng 3,2 triệu thùng trong tuần trước. Điều này đã tác động tiêu cực đến nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác để cân bằng thị trường "vàng đen" thế giới của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cùng với các nước sản xuất dầu khác, dẫn đầu là Nga.
OPEC và Nga đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2018 nhằm đối phó với đà tăng liên tục từ các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ.
Nhưng khi giá dầu phục hồi, các nhà sản xuất dầu Mỹ chỉ tăng số lượng giàn khoan sau khi cắt giảm chi phí, trong đó các công ty năng lượng bổ sung 12 giàn khoan dầu trong tuần trước, mức tăng lớn nhất tính theo tuần kể từ tháng 3/2017. Điều này có thể hạn chế đà tăng của giá dầu.
Ehsan Ul-Haq - Giám đốc phụ trách dầu thô và các sản phẩm hóa dầu tại Resource Economist Ltd. cho rằng, sản lượng dầu ở Mỹ đang tăng và các dự báo cũng được điều chỉnh tăng. Dư cung đang trở thành vấn đề khi nguồn cung từ Mỹ liên tục tăng.
Hoạt động khai thác dầu đá phiến tại Mỹ.
Sản lượng dầu thô Mỹ đang áp sát mốc 10 triệu thùng/ngày trong tuần này, theo công ty môi giới PVM Oil Associates Ltd.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi đầu tháng 1 dự báo sản lượng của Mỹ sắp vượt Ả Rập Saudi, khi tăng lên trên mốc 10 triệu thùng/ngày trong năm 2018, mức cao nhất kể từ 1970.
Giá dầu đạt đỉnh 3 năm hồi đầu tháng này nhờ lực cầu mạnh, rủi ro địa chính trị, đồng USD suy yếu, và nỗ lực của OPEC cùng với Nga nhằm hạn chế nguồn cung. Tuy nhiên, đồng USD tăng giá trong phiên giao dịch đầu tuần gây áp lực lên giá dầu.
Các chuyên gia phân tích tại Julius Baer Research cho rằng tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường sẽ dần giảm tốc và đảo chiều. “Tăng trưởng sản lượng từ Mỹ, CanadaBrazil sẽ vượt mức tăng cầu trên thế giới từ nay đến cuối năm”.