Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu giảm nhẹ do tâm lý hoài nghi về cam kết giảm nguồn cung của OPEC+

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu đi xuống trong phiên ngày 5/6 do sự không chắc chắn về khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại.

Thị trường dầu mỏ giao dịch trầm lắng trong phiên này khi các thương nhân thận trọng chờ đợi xem liệu các nhà sản xuất dầu chủ chốt có cam kết gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ giá dầu.
Cụ thể, giá dầu Brent hạ 8 xu Mỹ, tương đương 0,2%, xuống còn 39,91 USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 15 xu Mỹ, tương đương 0,4%, về mức 37,26 USD/thùng.
Giá dầu sụt nhẹ trong phiên 5/6.
Tuy nhiên, cả hai mặt hàng dầu này đang trên đà chứng kiến tuần leo dốc thứ 6 liên tiếp nhờ vào việc cắt giảm sản lượng và nhu cầu phục hồi khi nhiều nước dỡ bỏ biện pháp hạn chế đi lại ngăn dịch Covid-19.
Tính đến ngày 5/6, giá dầu ngọt nhẹ WTI đạt mức tăng 5%, trong khi Brent đã nhích thêm khoảng 13%.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, bao gồm Nga, được gọi chung là nhóm OPEC+, hiện vẫn chưa thông báo ngày họp mới trong bối cảnh các báo cáo cho biết nhóm đã lên kế hoạch tổ chức cuộc họp vào tuần tới.
Trong khi đó, kênh truyền hình Algeria Ennahar hôm 5/6 trích nguồn tin từ OPEC cho biết, bộ trưởng dầu mỏ các nước OPEC+ sẽ họp thảo luận về chính sách sản lượng vào ngày 6/6.
Theo thỏa thuận đã đạt được hồi tháng 4, việc cắt giảm nguồn cung của nhóm OPEC+ sẽ hết hạn vào cuối tháng 6/2020, sau đó nhóm này sẽ hạ mức cắt giảm sản lượng  xuống 7,7 triệu thùng/ngày cho đến ngày 31/12/2020 và 5,8 triệu thùng/ngày từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/4/2022.
Công ty theo dõi dữ liệu hàng hóa Kpler cho biết OPEC+ đã cắt giảm sản lượng 8,6 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2020, đạt khoảng 89% hạn mức cắt giảm theo thỏa thuận. Nhóm OPEC+ sẽ giảm thêm 1,1 triệu thùng/ngày để đạt mức tuân thủ 100% là cam kết giảm nguồn cung khoảng 9,7 triệu thùng/ngày từ tháng 5 đến hết tháng 6.
OPEC cùng với các đồng minh dự kiến tổ chức cuộc họp vào ngày 9 - 10/6, nhưng chưa rõ liệu hội nghị trực tuyến này sẽ được diễn ra hay không vì những diễn biến gần đây, bao gồm cả việc không thể tổ chức cuộc họp như kế hoạch vào ngày 4/6.
“Nhóm các sản xuất dầu chủ chốt đang nỗ lực để đạt được sự đồng thuận về việc kéo dài mức cắt giảm sản lượng hiện tại”, các chuyên gia phân tích của ngân hàng ANZ nhận định.
Ả Rập Saudi và Nga, hai trong số các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, muốn gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày từ tháng 7 tới.
Đà phục hồi của giá dầu có thể gặp trở ngại trong thời gian tới nếu nhóm OPEC+ không thống nhất kéo dài việc cắt giảm sản lượng ở mức gần 10 triệu thùng như hiện nay.
Giới phân tích cho rằng tình trạng dư thừa nguồn cung có thể gia tăng trở lại trong vài tuần tới khi các thành viên OPEC+ không tuân chủ đúng cam kết cắt giảm sản lượng.