Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu giảm trước sức ép từ diễn biến Covid-19 phức tạp tại Mỹ

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” sụt nhẹ khi giới đầu tư lo ngại đợt tăng đột biến các ca nhiễm Covid mới tại Mỹ cản trở đà phục hồi của nhu cầu dầu mỏ.

Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ mất 54 xu Mỹ, tương đương 1,3%, xuống 40,09 USD/thùng mặc dù có thời điểm trong phiên tăng lên 40,79 USD.
Trong khi đó, giá dầu Brent hạ 56 xu Mỹ, tương đương 1,3%, xuống 42,54 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất trong ngày là 43,19 USD.
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên 7/7.
Với việc 16 bang ở Mỹ ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục trong 5 ngày đầu của tháng 7, gia tăng lo ngại rằng các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh sẽ tác động tiêu cực tới nhu cầu nhiên liệu của nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này.
Bang Florida của Mỹ hiện đã tái áp đặt một số hạn chế để ngăn chặn đợt bùng phát mới của virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, California và Texas, hai trong số các bang đông dân nhất và giữ vai trò kinh tế quan trọng của Mỹ, cũng thông báo tỷ lệ nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục trong tuần qua.
Một số quốc gia khác như Nhật Bản và Australia cũng đang chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến trong những ngày gần đây.
Thị trường nhiên liệu đang chịu sức ép từ rủi ro đối với nhu cầu dầu mỏ do đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai, cùng với sự không chắc chắn về việc thực hiện thỏa thuận giảm cung của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+.
Jeffrey Halley - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của OANDA nhận xét: “Nhận định nhu cầu nhiên liệu có nguy cơ chịu tác động bất lợi khi các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 được áp dụng trở lại cùng với những quan ngại về thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ có thể không hỗ trợ nhiều cho giá dầu.
Nhóm OPEC+ đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 7/2020 nhằm ngăn chặn tình trạng dư cung do tác động từ đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, mức cắt giảm sẽ được OPEC+ điều chỉnh giảm xuống còn 7,7 triệu/thùng từ tháng 8 tới.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ sụt trung bình 8 triệu thùng/ngày trong năm nay, tức giảm khoảng 8% so với năm ngoái.
Mặc dù IEA ước tính nhu cầu dầu sẽ tăng 5,7 triệu thùng/ngày vào năm tới, nhưng nhu cầu tổng thể vẫn sẽ thấp hơn so với năm 2019 do sự không chắc chắn đang diễn ra trong lĩnh vực hàng không.
Trong lưu ý công bố ngày 7/7, ngân hàng ANZ cảnh báo nhu cầu lái xe tại Mỹ trong mùa hè suy giảm và nguy cơ áp dụng trở lại biện pháp giãn cách xã hội đang là lực cản đối với đà phục hồi của giá dầu.
Theo kết quả cuộc thăm dò của Reuters, dữ liệu về ngành công nghiệp dầu mỏ được Viện Dầu khí Mỹ và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ lần lượt công bố trong ngày 7/7 và 8/7 cho thấy mức dự trữ xăng sẽ tăng 100.000 thùng.