Mặc dù giá dầu thô tăng vào ngày thứ Sáu nhưng thị trường vẫn ghi nhận tuần giao dịch ảm đạm.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (7/8), giá dầu có dao động, song vẫn duy trì mức cao 9 tuần do báo cáo tích cực của thị trường việc làm của Mỹ và hoạt động khoan dầu giảm nhẹ.
Giá dầu thế giới giữ ổn định mặc dù sản lượng của Nhóm Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) đã hạn chế đà tăng giá mạnh trong những phiên gần đây.
OPEC và các quốc gia sản xuất dầu chủ chốt khác tiếp tục thực hiện thỏa thuận cắt giảm 1,8 triệu thùng/ngày cho đến hết quý I/2018. Nhiều nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này có ít tác động lên trữ lượng dầu thô do sản lượng của một số nước như Libya, Nigeria và Mỹ tăng.
Ngân hàng ANZ cho biết, giá dầu tăng mạnh do các nhà đầu tư xem xét số liệu việc làm của Mỹ thể hiện dấu hiệu tích cực đối với nhu cầu dầu mỏ và số lượng giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ giảm nhẹ cũng giúp đẩy giá dầu đi lên.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá “vàng đen” tiếp tục giảm sâu do sản lượng xuất khẩu của OPEC tăng kỷ lục trong tháng 7 bất chấp việc Ả Rập Saudi thông báo cắt giảm các nguồn cung dầu tới khu vực châu Á.
Ngày 8/8, nhà xuất khầu dầu thô hàng đầu thế giới Ả Rập Saudi cho biết sẽ cắt giảm khoảng 10% các nguồn cung dầu tháng 9 tới một nhà máy lọc dầu Bắc Á, để tuân thủ một thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất.
Giá dầu trong phiên này tiếp tục chịu áp lực giảm giá do nguồn cung vẫn dư thừa trong bối cảnh sản lượng của OPEC tháng 7 đã đạt mức cao năm 2017.
Sang ngày 9/8, giá dầu đảo chiều đi lên nhờ báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 6,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4/8 xuống còn 475,4 triệu thùng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn mức giảm dự kiến chỉ là 2,7 triệu thùng.
Tuy nhiên, nhiên liệu chiến lược này lại mất giá ngay trong phiên giao dịch ngày 10/8, trước khi phục hồi vào cuối tuần, sau khi số liệu cho thấy sản lượng khai thác dầu mỏ của OPEC tăng lên trong tháng 7.
Việc sản lượng dầu thô tăng lên cho thấy các nước thành viên OPEC đang gặp khó khăn trong việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung để góp phần cân bằng thị trường dầu toàn cầu.
Tới phiên giao dịch ngày 11/8, giá dầu tăng nhẹ nhờ hoạt động khai thác dầu của Mỹ đang đi vào ổn định, tình trạng bất ổn tại Nigeria và nhu cầu dầu mỏ toàn cầu cải thiện.
Giá dầu Brent tăng 10 xu Mỹ lên mức 52 USD/thùng sau khi đạt đỉnh 11 tuần ở mức 53,64 USD/thùng trong phiên trước đó.
Giá dầu WTI tăng 23 xu Mỹ lên mức 48,82 USD/thùng sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2,5 tuần là 48,01 USD/thùng ở đầu phiên giao dịch.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2017, thêm 1,5 triệu thùng/ngày lên 97,6 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, báo cáo hàng tuần từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ chỉ tăng nhẹ trong tuần này, do các công ty dầu khí cắt giảm kế hoạch chi tiêu nhằm phản ứng trước tình trạng dầu liên tục mất giá.
Theo báo cáo của Baker Hughes, số giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ đã tăng 3 chiếc trong tuần này, lên 768 chiếc, mức cao nhất kể từ tháng 4/2015.
Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao những diễn biến xoay quanh căng thẳng Mỹ và Triều Tiên liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.