Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu lao dốc mạnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ công bố doanh số bán lẻ tháng 11 tăng 0,3%, sau khi giảm với mức tương tự trong tháng 10, trong đó doanh số các trạm xăng giảm tới 4%, mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ 12/2008 cho tới nay. Giá cả bán buôn giảm mạnh, chỉ số giá sản xuất hạ 0,8%.

Sau một phiên tăng giá mạnh, hôm qua (13/12), giá dầu thô thế giới hợp đồng giao sau lại đột ngột thoái lui trở về gần với mức của hai ngày trước, khi nhà đầu tư trở lại với nỗi lo lắng về triển vọng lượng tiêu thụ.

Trên thị trường châu Âu và Mỹ, giá dầu đã quay đầu giảm giá, chủ yếu do làn sóng bán ra chốt lời của giới đầu tư sau khi "vàng đen" đã tăng được liền mấy phiên trước đó, nhờ những yếu tố hỗ trợ đến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Đóng cửa phiên này tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 1/2012 giảm 13 xu xuống 86,64 USD/thùng, trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 75 xu xuống 108,75 USD/thùng.

Giá dầu lao dốc mạnh - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Mức giảm 1% trong phiên 13/12 là khá bất ngờ với thị trường, bởi trước đó một ngày, giá dầu thô loại này đã tăng mạnh 1,1%. Điều này cho thấy thị trường dầu thô thế giới hai phiên vừa qua đã giằng co khá dữ dội.

Theo giới phân tích, sở dĩ giá dầu đêm qua lao dốc mạnh là do tâm lý thị trường bị tác động bởi việc Anh bị tổ chức định mức tín nhiệm S&P cắt triển vọng tín dụng từ ổn định xuống tiêu cực. S&P còn đưa ra lời cảnh báo rằng, nước Anh có thể mất hạng tín nhiệm cao nhất AAA trong 2 năm.

Thị trường cũng chịu ảnh hưởng mạnh bởi vấn đề vực thẳm ngân sách, sau tuyên bố của Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner. Ông Boehner tái khẳng định về những nguy cơ có thể xảy ra một khi vực thẳm ngân sách xuất hiện. Điều này cũng cho thấy nước Mỹ vẫn chưa đạt được đồng thuận.

Trong khi đó, mức tăng mạnh của phiên 12/12 chủ yếu là xuất phát từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố chương trình nới lỏng định lượng thứ 4 thay cho chương trình hoán đổi trái phiếu sắp hết hạn, và lần đầu tiên gắn thất nghiệp, lạm phát với các quyết định tăng, giảm lãi suất cơ bản.

Sau khi mất giá trong phiên trước (13/12) trên các thị trường châu Âu và Mỹ, giá dầu trên thị trường châu Á mở cửa phiên 14/12 lại quay đầu đi lên do giới đầu tư hy vọng rằng số liệu mới nhất về hoạt động công nghiệp tại Trung Quốc sẽ cho thấy những tín hiệu rõ hơn về sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo số liệu sơ bộ của ngân hàng HSBC, chỉ số quản lý sức mua trong tháng 12 của ngành chế tạo Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng qua, báo hiệu tăng trưởng của nền kinh tế này đã trở lại đường ray sau 12 tháng liên tiếp giảm đều qua các tháng. Trong khi đó, giới đầu tư cũng kỳ vọng chỉ số này trong tháng 12 sẽ tăng từ mức 50,5 của tháng 11 lên 50,8. Chỉ số trên 50 cho thấy ngành công nghiệp đang được mở rộng.

Trước đó, vào cuối tuần qua, Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc cũng công bố số liệu cho biết sản lượng của các nhà máy của Trung Quốc trong tháng 11 đã tăng tới 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 9,6% của tháng 10.

Vào sáng 14/12 trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 1/2012 tăng 38 xu lên 86,27 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tăng 30 xu lên 108,21 USD/thùng.