Giá dầu thô lao dốc trong phiên sáng 5/7 sau khi Tổng thống Trump đăng một dòng trạng thái kêu gọi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) giảm giá dầu.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,56 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, còn 77,68 USD/thùng.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tại New York giảm 0,29 USD/thùng, tương đương giảm 0,4%, còn 73,85 USD/thùng. Trong phiên ngày 3/7, có lúc giá dầu WTI vượt 75 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối năm 2014.
Viết trên mạng xã hội Twitter ngày 4/7, ông Trump đã cáo buộc OPEC đẩy giá dầu tăng. “OPEC độc quyền cần phải nhớ rằng giá xăng dầu đang tăng cao và họ chẳng giúp ích được gì", ông Trump viết. "Họ chẳng qua chỉ đẩy giá tăng cao, còn Mỹ thì phải dùng tiền của mình để bảo vệ an ninh cho nhiều thành viên của họ".
"Cái gì cũng phải có đi có lại. Hãy giảm giá dầu ngay đi thôi", ông Trump kêu gọi OPEC.
“Cái gì cũng phải có đi có lại. Hãy giảm giá dầu ngay”, ông Trump kêu gọi OPEC.
Ông Stephen Innes, trưởng bộ phận giao dịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty môi giới OANDA, nhận định: “Với cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đang đến gần, ông Trump tiếp tục gây sức ép buộc Ả Rập Saudi phải tăng nguồn cung dầu nhằm giữ giá dầu WTI ở mức dưới ngưỡng 75 USD/thùng.
Từ đầu năm 2017, OPEC và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, đã thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu đi lên Nỗ lực này đã phát huy hiệu quả tích cực.
Gần đây, đà tăng của giá dầu cũng được hỗ trợ nhiều sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp lệnh trừng phạt lên ngành dầu lửa của nước này.
"Động lực chính đẩy giá dầu tăng trong thời gian tới là thỏa thuận hạn chế sản lượng của OPEC và Nga, cùng với sản lượng dầu sụt giảm của Venezuela và quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran", ngân hàng National Australia Bank (NAB) viết trong một báo cáo mới đây.
NAB cũng dự báo giá dầu Brent trong vài tháng tới sẽ dao động ở mức 75 USD tới 80 USD/thùng, mặc dù việc tăng sản lượng của OPEC và Nga có thể thúc đẩy giá giảm cuối năm nay và sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng.
Cuối tháng 6, OPEC và Nga tuyên bố sẽ tăng sản lượng để giảm bớt tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu. Tuy nhiên, giá dầu vẫn tăng mạnh kể từ sau thông báo của OPEC và Nga do có nhiều lo ngại rằng mức tăng sản lượng ước tính từ 600.000-1 triệu thùng/ngày của nhóm này không đủ bù đắp phần sản lượng bị thiếu hụt.
Trong một thông báo gửi đến khách hàng ngày 4/7, Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ nhận định “nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu có thế rơi vào tình trạng thiếu hụt” trong nửa cuối năm 2018.
Thị trường dầu thế giới cũng đang lo ngại tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 5/7 cảnh báo rằng thuế quan của Mỹ sẽ gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu áp thuế lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 6/7.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc tuyên bố kế hoạch áp thuế trả đũa của Trung Quốc đối với hàng Mỹ, bao gồm dầu thô, sẽ có hiệu lực ngay lập tức sau khi Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc.