Cụ thể, giá dầu thô Brent Biến Bắc được giao dịch ở mức 60,73 USD/thùng, tăng 29 xu Mỹ hay 0,48% so với đóng cửa phiên trước. Mức này gần chạm đỉnh kể từ tháng 7/2015 và tăng hơn 36% kể từ mức thấp hồi cuối tháng 6.
Dầu thô ngọt nhẹ Mỹ WTI tăng 16 xu Mỹ, khoảng 0,3% lên 54,06 USD/thùng.
Ngân hàng ANZ nhận định: "Giá dầu trong phiên giao dịch nhận được sự hỗ trợ phục hồi từ việc tuân thủ mạnh với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC cùng với phát biểu của Thái tử Ả Rập Saudi cho thấy sự ủng hộ với việc gia hạn thỏa thuận này".
Từ đầu năm nay,OPEC cùng với Nga và 9 nước sản xuất dầu chủ chốt khác đã nhất trí cắt giảm khoảng 1,8 triệu thùng/ngày nhằm giải quyết tình trạng dư cung. Thỏa thuận này sẽ kéo dài đến hết quý I/2018. Những bình luận mới đây của Thái tử Ả Rập Saudi cho rằng thỏa thuận này sẽ được gia hạn đã hỗ trợ hơn nữa cho giá dầu trong phiên này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng sản lượng khai thác gia tăng tại Mỹ có thể làm suy yếu các nỗ lực cắt giảm nguồn cung của OPEC, nhằm tái cân bằng thị trường dầu toàn cầu.
Thống kê cho thấy trong tuần trước sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng 1,1 triệu thùng/ngày lên 9,5 triệu thùng/ngày, trong khi lượng dầu xuất khẩu trung bình trong 4 tuần chạm mức kỷ lục mới với 1,7 triệu thùng/ngày.
Theo kế hoạch, OPEC sẽ có cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 30/11 tới.
"Bất kỳ sự do dự nào ở giai đoạn này có thể được xem như một dấu hiệu của sự suy yếu, cho thấy các nhà sản xuất không đoàn kết trong việc thực hiện. Các dấu hiệu trước đây từ sự thiếu nhất quán đã khiến giá dầu suy yếu và thời điểm này có thể không quá khác biệt. Sự hỗ trợ tâm lý đối với giá dầu chỉ có thể đến từ một sự bền vững trong cam kết mở rộng thỏa thuận cắt giảm sản lượng", Lee nói thêm.
Thị trường đang theo dõi sát sao các tin tức cũng như kết quả của cuộc họp sắp tới của các thành viên OPEC.