Giá dầu leo dốc liên tiếp trong ngày 8 và 9/10 trong bối cảnh các nhà đầu tư kỳ vọng những biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc sẽ làm tăng nhu cầu dầu thô của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Bên cạnh đó, các dấu hiệu thể hiện rõ hơn về xuất khẩu dầu thô của Iran giảm sút trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ được tái áp đặt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran, cũng như việc ngưng sản xuất một phần tại khu vực vùng Vịnh Mexico do cơn bão Michael, cũng góp phần hỗ trợ giá dầu.
Từ đầu tháng này, lượng dầu xuất khẩu của Iran đã sụt giảm, khi các khách hàng mua dầu của nước này tìm kiếm nguồn cung thay thế trước thời điểm lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực vào ngày 4/11 tới. Một số tổ chức giao dịch hàng đầu thế giới dự kiến các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran sẽ đẩy giá dầu lên cao và có thể giúp mặt hàng này vượt mốc 100 USD/thùng trong trung hạn.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 10/10, giá dầu đã đảo chiều mất hơn 2%, trước sự lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán thế giới và báo cáo về lượng dự trữ dầu thô của Mỹ.
Sang phiên giao dịch 11/10, giá dầu tiếp tục suy yếu, giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần qua trong bối cảnh thị trường chứng khoán đi xuống và dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khá mạnh.
Báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này tăng 6 triệu thùng trong tuần trước, kết thúc ngày 5/10, cao hơn gấp đôi dự báo của giới phân tích là chỉ tăng 2,6 triệu thùng.
Bước sang ngày 12/10, giá dầu ngọt nhẹ WTI khởi sắc khi nhà đầu tư đánh giá diễn biến tiếp theo của thị trường chứng khoán đầy biến động. Mặc dù vậy, các dấu hiệu về sự gia tăng nguồn cung dầu thô đã góp phần vào đà sụt giảm 4% trong tuần qua của mặt hàng dầu WTI.
Dầu Brent và WTI đã khởi sắc sau 2 ngày bán tháo trên các thị trường chứng khoán toàn cầu - một động thái làm tăng lo ngại về khả năng phục hồi của nền kinh tế và tiêu thụ năng lượng. Chứng khoán toàn cầu và các chỉ số tại Phố Wall đã đảo chiều nhảy vọt trong ngày 12/10.
Rob Haworth - nhà chiến lược đầu tư cấp cao tại U.S. Bank, nhận định: “Trong khi có những rủi ro về xung đột tại khu vực Trung Đông và sự gián đoạn trong sản xuất, sự gia tăng sản lượng từ Mỹ, Ả Rập Saudi và Nga có khả năng giúp thị trường có nguồn cung hợp lý. Yếu tố khác cũng kìm hãm đà tăng của giá dầu là những e ngại về suy thoái kinh tế, vốn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng nhu cầu dầu”.
Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 37 xu Mỹ (tương đương 0,5%) lên 71,34 USD/thùng, nhưng vẫn giảm 4% trong tuần qua.
Trong khi đó, giá dầu dầu Brent cộng 17 xu Mỹ (tương đương 0,2%) lên 80,43 USD/thùng sau khi có thời điểm trong phiên chạm đáy 79,23 USD/thùng. Tính chung trong tuần, giá dầu Brent đã giảm 4,4%. Cả hai loại dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên trong 5 tuần.
Nhìn chung, dữ liệu sản lượng vẫn là yếu tố chi phối bao quát tâm lý thị trường. Báo cáo định kỳ hàng tháng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) công bố ngày 11/10 cho biết sản lượng dầu thô của OPEC và Nga đều tăng trong tháng 9, nhiều hơn lượng bù đắp cho sự thiếu hụt sản lượng dầu tại Iran trước khi Mỹ áp các lệnh trừng phạt lên ngành công nghiệp dầu mỏ của Tehran.
Trước đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng nâng dự báo sản lượng tại nước này, qua đó góp phần tạo thêm rào cản khác.
Ngoài ra, OPEC đã hạ dự báo tăng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay và cả năm tới, 3 tháng liên tiếp hạ dự báo.
Trong ngày 12/10, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đồng quan điểm đó, cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm hơn dự báo trong năm nay và năm 2019 trong bối cảnh rủi ro kinh tế xuất phát từ căng thẳng thương mại và giá dầu leo cao.
Trong khi đó, dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 12/10 cho biết số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ tăng 8 giàn lên 869 giàn trong tuần này, sau khi giảm liên tiếp 3 tuần trước, đồng thời ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 10/8.