Nguyên nhân đẩy giá dầu trong tuần sụt giảm là do nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu dầu thấp tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, cùng khả năng nguồn cung dầu có thể không bị ảnh hưởng nhiều dù bạo lực vẫn đang tiếp diễn tại Iraq.
Các nhà phân tích cho rằng việc chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ - chiếm hơn 2/3 các hoạt động kinh tế của nước này - trong tháng Năm chỉ tăng có 0,2% sau khi đứng nguyên ở tháng Tư trước đó, đã làm dấy lên những lo ngại về tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn số một thế giới này.
Thông tin thất vọng này được đưa ra ngay sau báo cáo trước đó một ngày của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết lượng dầu dự trữ của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 21/6 đã tăng ngoài dự kiến, thêm hẳn 1,7 triệu thùng, ngược lại với dự báo của giới chuyên gia là giảm 1,2 triệu thùng. Dự trữ dầu tăng là thông điệp chỉ ra rằng nhu cầu đối với nguyên liệu chiến lược này đang yếu đi tại quốc gia "ngốn" dầu hàng đầu thế giới.
Hai tin xấu lần lượt nối tiếp này khiến thị trường khá bất ngờ và các nhà đầu tư nhận ra rằng nhu cầu dầu không mạnh đến mức mà thị trường có thể chấp nhận giá dầu ở các mức cao như hiện tại.
Ngoài ra, bất chấp bạo lực vẫn đang leo thang tại Iraq, căng thẳng trên thị trường dầu mỏ lại có xu hướng dịu đi trước thực tế sản lượng cũng như việc xuất khẩu dầu thô tại các cơ sở dầu mỏ ở khu vực miền Nam Iraq vẫn được duy trì, thậm chí còn tăng lên do các chính sách ưu tiên. Điều này làm giảm bớt sức ép lên giá dầu.
Một yếu tố khác kéo giá dầu đi xuống trong tuần qua là hoạt động bán ra chốt lời của nhà đầu tư sau khi giá dầu đã có nhiều phiên tăng mạnh trong tuần trước đó.
Đóng cửa phiên cuối tuần 27/6 trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 8/2014 giảm tiếp 10 xu Mỹ so với phiên trước, xuống chốt tuần ở mức 105,74 USD/thùng. Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tăng nhẹ 9 xu Mỹ và chốt tuần ở 113,30 USD/thùng.
Dầu Brent tăng nhẹ phiên cuối tuần chủ yếu do các nhà đầu tư lo ngại về những tiến triển mới tại Iraq - nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Nhà máy khí đốt Naher al-Umran, cách thành phố Basra (miền Nam Iraq) 40km về phía Bắc.
|