Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu Mỹ quay đầu tăng nhẹ sau 6 phiên giảm liên tiếp

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ quay đầu đi lên trong phiên giao dịch ngày 2/10 nhờ lượng tồn kho dầu của nước này bất ngờ giảm.

Thị trường dầu mỏ thế giới giao dịch trái chiều trong ngày 2/10 khi cổ phiếu toàn cầu suy yếu do ảnh hưởng từ số liệu sản xuất của Mỹ kém khả quan. Cụ thể, giá dầu Brent giảm 24 xu Mỹ, xuống còn 58,65 USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ quay đầu tăng 6 xu Mỹ, lên 53,68 USD/thùng.

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng nhẹ sau 6 phiên giảm liên tiếp.

Giá dầu WTI đã giảm phiên thứ 6 liên tiếp tính đến phiên 1/10, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất trong năm nay, sau số liệu cho biết hoạt động chế tạo của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 10 năm giữa bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung đè nặng lên lĩnh vực xuất khẩu.
Tuy nhiên, giá mặt hàng dầu này phục hồi trong ngày 2/10 nhờ được hỗ trợ từ số liệu cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ bất ngờ sụt giảm.
Lực đẩy cho đà tăng của giá dầu WTI trong phiên này là thống kê của Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho biết dự trữ dầu thô của nước này đã bất ngờ giảm khoảng 5,9 triệu thùng trong tuần trước, so với ước tính tăng 1,6 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến sẽ công bố báo cáo dự trữ dầu thô hàng tuần vào lúc 14:30 GMT ngày 2/10.
Nhà phân tích Jeffrey Halley của OANDA, có trụ sở ở Singapore nhận định rằng, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ đã lấy lại đà tăng trong phiên này dù khối lượng giao dịch trong phiên khá thấp do các ngày nghỉ lễ trong khu vực.
Ông Halley dự báo giá dầu Brent và dầu WTI sẽ tăng lên lần lượt 61 USD/thùng và 55 USD/thùng.
Còn ông Jac Staunovo - nhà phân tích dầu mỏ tại UBS đánh giá: “Thị trường dầu thế giới đang chịu tác động từ 2 yếu tố chính, gồm một bên là lượng dầu tồn kho của Mỹ suy giảm đang hỗ trợ giá dầu đi lên và dữ liệu kinh tế suy yếu đang gây áp lực lên giá dầu mỏ”.
Giá “vàng đen” hiện thấp hơn các mức được giao dịch trước khi xảy ra cuộc tấn công hôm 14/9 vừa qua vào các nhà máy lọc dầu của Ả Rập Saudi. Hiện Riyadh - nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã khôi phục toàn bộ sản lượng và công suất sản xuất.
Trong một thông tin liên quan, ngày 1/10, Bộ Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên không tái tạo Ecuador thông báo quyết định của chính phủ nước này về việc rút khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) kể từ ngày 1/1/2020.
Theo chính phủ Ecuador, quyết định trên được đưa ra trên cơ sở các vấn đề và thách thức nội bộ mà đất nước đang phải đối mặt liên quan tới sự ổn định ngân sách.
Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh, cho biết thị trường có thể dư thừa nhẹ nguồn cung vào năm tới.

Trong bài đăng trên tạp chí Chính sách năng lượng, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2020, sau khi đạt mức 1 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay.